CNN ngày 21-5 đưa tin, hải quân Trung Quốc 8 lần phát cảnh báo khi một máy bay do thám của Mỹ tới gần đảo nhân tạo ở biển Đông mà Bắc Kinh đang xây dựng.
Không công nhận tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc
Theo CNN, việc bồi đắp và xây dựng các bãi đá ngầm và đảo nhân tạo của Trung Quốc tại khu vực biển Đông đã làm chính quyền Mỹ lo ngại. Trước động thái này của Bắc Kinh, Lầu Năm Góc tiến hành các chuyến bay giám sát để khẳng định Mỹ không công nhận các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc lần đầu tiên cho phép một nhóm phóng viên của CNN lên chiếc P8-A Poseidon, máy bay săn ngầm và do thám hiện đại nhất của Mỹ, chứng kiến cuộc đối đầu giữa máy bay Mỹ và hải quân Trung Quốc. Chiếc P8-A Poseidon có lúc bay thấp nhất ở độ cao 4.570m.
Hiện Mỹ đang cân nhắc thực hiện các sứ mệnh giám sát tương tự và thậm chí gần hơn với các đảo nhân tạo của Trung Quốc, đưa tàu chiến tới gần các đảo này trong khuôn khổ một phản ứng quân sự mới của Mỹ trong khu vực. Cùng với đó, trong kế hoạch mới nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ, các tàu chiến cũng sẽ được điều tới khu vực cách những đảo và quần đảo này nhiều dặm.
Ông Mike Parker, chỉ huy phi đội máy bay giám sát P8-A Poseidon hoạt động tại châu Á (trái), trao đổi với phóng viên CNN.
Cùng ngày, kênh truyền hình CNN cũng phát sóng đoạn video do Lầu Năm Góc quay về hoạt động xây dựng của Trung Quốc và ghi âm các cảnh báo của Trung Quốc đối với máy bay do thám của Mỹ. Những thông điệp hải quân Trung Quốc nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Anh qua sóng radio: “Đây là Hải quân Trung Quốc… Đây là Hải quân Trung Quốc… Xin rời khỏi khu vực này… để tránh hiểu lầm”. Tuy nhiên, các phi công Mỹ trả lời rằng họ đang bay trong vùng không phận quốc tế.
Cũng trong ngày 21-5, theo Financial Times, Thượng nghị sĩ Ben Cardin thuộc Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ lên tiếng khẳng định việc hải quân Mỹ tuần tra trên biển Đông là bước đi tích cực giúp bảo vệ tuyến đường biển quan trọng của thế giới. Ông Cardin lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai tàu hải quân và máy bay tới khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng ở biển Đông.
Đe dọa an ninh ngày càng lớn
Trước hành động nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Đông của Trung Quốc, dư luận quốc tế đã có những phản ứng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh ở khu vực này. Phát biểu tại hội thảo về tàu ngầm và an ninh biển quốc tế trong khuôn khổ Triển lãm và hội thảo về quốc phòng biển (IMDEX Asia) đang diễn ra tại Singapore, Chuẩn Đô đốc Lai Chung Han của Singapore đề nghị một khuôn khổ khu vực để quản lý các hoạt động tàu ngầm trong vùng. Ông Lai cho biết các nước trong khu vực có thể khởi sự bằng cách trao đổi thông tin về những giàn khoan dầu và lịch trình đi lại của các tàu chở hàng lớn.
Theo Chuẩn Đô đốc Lai Chung Han, với số lượng tàu ngầm ngày càng nhiều trong khu vực, có thể nói biển Đông đang đứng trước mối đe dọa an ninh ngày càng lớn.
Tại Bỉ, Viện quan hệ quốc tế Hoàng gia Egmont đã phối hợp với Đại sứ quán Philippines tại Bỉ tổ chức hội thảo với chủ đề “Biển Đông, triển vọng nhìn từ luật pháp và lịch sử”. Liên quan đến việc mới đây Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, ông Erik Franckx, Giáo sư Đại học Tự do Brussels, thành viên Tòa trọng tài thường trực, cho rằng đây là vùng biển tranh chấp và các quốc gia ven biển đều có quyền khai thác hải sản tại nơi này, và như vậy lý do mà Trung Quốc đưa ra là không thỏa đáng, càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và không có tác dụng bảo vệ tài nguyên.
Ngày 21-5, với chủ đề “Châu Á sau 2015 - Tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng lâu dài”, Hội nghị quốc tế tương lai châu Á khai mạc tại Tokyo, Nhật Bản, tập trung thảo luận về các nhân tố có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai châu Á như thách thức và cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn và các bất ổn trong quan hệ quốc tế. Vấn đề biển Đông cũng được đề cập nhiều tại hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, diễn biến phức tạp trên biển Đông đe dọa an ninh khu vực. Các quốc gia liên quan đều phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). |
THANH HẰNG (tổng hợp)