Ngày 22-6, Trung Quốc đã thực hiện bước đi đầu tiên trong cam kết linh hoạt giá đồng nhân dân tệ (NDT). Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã xác lập tỷ giá hối đoái mới ở mức 1USD = 6,7980 NDT, tăng 0,43% so với mức 6,8275 NDT của ngày 21-6. Đây là mức cao nhất kể từ khi Bắc Kinh định giá lại đồng NDT vào tháng 7-2005.
Tăng... trong biên độ ấn định
Theo giới quan sát, động thái trên của Trung Quốc là nhằm giảm bớt bầu không khí căng thẳng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển (G-20) tại Canada cuối tuần này, nơi sẽ có nhiều cáo buộc Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng NDT để có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong phiên giao dịch ngoại hối sáng ngày 22-6, 1USD đổi được 6,7968 NDT trước khi hạ xuống 6,8200 NDT do nhu cầu trong nước ở Trung Quốc đối với đồng USD tăng cao.
Các nhà kinh tế nhận định, khi đồng NDT mạnh lên sẽ có những tác động nhất định đối với các nền kinh tế khác. Nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Đây sẽ là lợi thế cho các Hãng hàng không Trung Quốc như Air China, China Eastern Airlines… vốn mượn ngoại tệ để mua máy bay hay nhập khẩu xăng dầu.
Theo ước tính của Deutsche Bank, nếu đồng NDT tăng 1% so với đồng USD, lợi nhuận ròng của Air China sẽ là khoảng 10% trong năm 2010, trong khi con số này của China Eastern Airlines là 15%. Những người có chung niềm vui với các Hãng hàng không Trung Quốc là các hãng xe hơi nước ngoài như BMW, Volkswagen…
“Đã đời” nhất là BMW khi liên doanh BMW với Brillance của Trung Quốc nhập khẩu đến 50% phụ tùng, linh kiện từ Đức. Ngoài ra, các tập đoàn kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, công nghệ, tiêu dùng…cũng được “thơm lây” bởi đồng NDT tăng giá.
Các nước châu Á có hàng hóa và dịch vụ nằm từ điểm giữa đến điểm cuối của chuỗi giá trị gia tăng sẽ có lợi hơn so với các nước có sản phẩm ở trình độ thấp. Các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ cao cấp có nhiều “quyền định giá” hơn, tức tăng giá không làm giảm cầu; trong khi các nhà sản xuất hàng thấp cấp không có quyền này và để tăng cầu họ buộc phải giảm giá.
Các nhà sản xuất thấp cấp thường chọn cách giảm giá đồng nội tệ của họ để tăng sức cạnh tranh. Trung Quốc từ lâu đã cho phép các ngành công nghiệp sản xuất hàng thấp cấp của mình ngừng hoạt động và di chuyển nhà máy tới các nước có chi phí sản xuất thấp khác ở châu Á. Kết quả là các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ có “quyền định giá” khi đồng tiền của họ lên giá.
Đối với bản thân Trung Quốc, đồng nội tệ lên giá sẽ là một công cụ hiệu quả giúp kiềm chế lạm phát trong nước, thay vì phải áp dụng các quy định ngặt nghèo đối với hệ thống ngân hàng như nước này phải làm trong thời gian qua.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế neo giá bằng cách mua vào đồng USD trên thị trường mở nhằm “ấn định” giá trị của đồng NDT với đồng USD. Nếu cho phép đồng nội tệ được dao động với biên độ lớn hơn, Trung Quốc sẽ hạn chế mua vào đồng USD và nhờ đó đồng USD có thể sẽ giảm giá so với đồng NDT hay nói cách khác, đồng NDT sẽ lên giá tương đối so với đồng USD.
Nhập siêu từ Trung Quốc có thể giảm
Tỷ giá giữa đồng NDT và USD 7-2005: 1 USD = 8,1080 NDT 7-2006: 1 USD = 7,9732 NDT 7-2007: 1 USD = 7,5737 NDT 7-2008: 1 USD = 6,8388 NDT 7-2009: 1 USD = 6,8323 NDT 6-2010: 1 USD = 6,7980 NDT |
Theo TS Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, việc đồng NDT được nâng giá so với USD sẽ ảnh hưởng đến thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, còn tỷ giá VND/USD sẽ không có biến động.
Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, khi xuất khẩu tăng lên trong khi nhập siêu từ Trung Quốc sẽ giảm… PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đồng quan điểm trên nhưng thận trọng hơn.
Ông Ngân cho rằng, nhập khẩu hàng tiêu dùng Trung Quốc của nước ta sẽ giảm nhưng khó có thể nói nhập siêu giảm. Vì khi đó, không loại trừ giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tăng nếu những mặt hàng nhập khẩu là sản phẩm thiết yếu do giá cả tăng lên.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, nếu NDT tăng giá so với USD, áp lực điều chỉnh tỷ giá VND/USD sẽ tăng lên. Cùng với đó, do hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, khó xuất khẩu chính ngạch nên lượng hàng hóa xuất vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch sẽ tăng.
Cũng theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố nới lỏng tỷ giá NDT về lâu dài sẽ làm tăng nhu cầu mua vàng của các nhà đầu tư. Đó là chưa kể, theo Hội đồng Vàng thế giới, ngân hàng trung ương của nhiều nước liên tục tăng cường trữ vàng trong thời gian gần đây (gấp đôi so với quý I).
Hôm qua 22-6, giá vàng lao dốc mạnh trở lại. Trên thị trường thế giới, vào lúc 14 giờ 30, giá vàng thế giới ở mức 12.237,6USD/ounce, giảm 29USD/ounce so với mức giá kỷ lục đã thiết lập trong phiên trước. Cùng ngày, giá vàng trong nước cũng giảm xuống còn 28,29 triệu đồng/lượng (thu vào) và 28,35 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng so với mức giá trước đó một ngày.
Chứng khoán trong ngày cũng giảm điểm trên cả 2 sàn sau 5 phiên liên tiếp tăng điểm. VN-Index đóng cửa ở mức 512,63 điểm, giảm 2,12 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm xuống còn 161,92 điểm, giảm 2,09 điểm.
Nhóm PV