Ngày 26-12, Trung Quốc đã khai trương 3 tuyến đường sắt cao tốc (HSR) nội địa mới có tổng chiều dài hơn 3.000km gồm: Lan Châu - Tân Cương dài 1.777km; Quý Châu - Quảng Châu dài 856km và Nam Kinh - Quảng Châu dài 574km với vận tốc trung bình từ 200 - 250km/giờ. Trước đó, Trung Quốc cũng ký kết xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc đến thẳng trung tâm châu Âu. Báo chí Nhật bình luận các tuyến đường sắt đang trở thành vũ khí lợi hại phát triển kinh tế trong nước và nâng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc.
Phát triển chóng mặt
Tân Hoa xã cho biết, tuyến HSR Lan Châu - Tân Cương có tổng đầu tư 143,5 tỷ nhân dân tệ (RMB) ngoài việc rút ngắn thời gian từ 21 giờ xuống còn 10 giờ cho hàng ngàn hành khách; giá vé cũng vừa phải 588RMB cho vé hạng nhất, 490RMB cho vé hạng hai, tổng lượng hàng hóa vận chuyển lên tới 7.300 tấn/chuyến…
Đường sắt cao tốc Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới tuần rồi đã đưa ra báo cáo mới đánh giá việc phát triển các tuyến đường sắt nội địa Trung Quốc có tương lai tươi sáng, hỗ trợ kinh tế phát triển. Báo cáo cho biết, đường sắt cao tốc nội địa Trung Quốc đã vận chuyển 672 triệu lượt khách đi lại trong năm 2014, tăng gấp 4 lần so với năm 2008, đồng thời dự đoán “trong 20 năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh”.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế, vốn tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong quý 3. Hồi tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã phê chuẩn việc xây dựng 4 tuyến đường sắt trị giá 66,24 tỷ nhân dân tệ (tương đương 10,79 tỷ USD). Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, những tuyến đường sắt mới trên sẽ chạy ở tỉnh Cát Lâm, Trùng Khánh, Thiểm Tây và khu tự trị Nội Mông.
Đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã đầu tư 590 tỷ nhân dân tệ cho các dự án đường sắt, tương đương 74% tổng vốn dành cho đường sắt năm nay. Hiện Trung Quốc đã có hơn 11.000km đường sắt cao tốc đến năm 2020 sẽ là 16.000km.
Vươn sang châu Âu
Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt đi thẳng vào trung tâm châu Âu khi ký kết với Hungary và Serbia hợp đồng xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc, là nền tảng cho một hành lang chiến lược từ Hy Lạp dẫn đến trung tâm châu Âu. Dự án này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cao trao đổi thương mại với các nước châu Âu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố việc xây dựng sẽ hoàn tất vào năm 2017, giúp đưa vận tốc từ 70km/giờ lên 200km/giờ. Tuyến đường cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và sẽ cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu.
Dự án HSR Hungary - Serbia là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm mở rộng đường vào châu Âu thông qua các tuyến đường bộ. Để duy trì thế cạnh tranh, các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường châu Âu đòi hỏi phải giảm thời gian vận chuyển để bù đắp lại chi phí sản xuất ngày càng tăng ở Trung Quốc. Dự án HSR sẽ giúp làm giảm thời gian vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giữa kênh đào Suez và Tây Âu.
Trước đây, hàng hóa của Trung Quốc được chuyển qua kênh đào Suez, sau đó đi vòng quanh châu Âu tới các cảng ở bờ biển phía Tây Bắc như Rotterdam, Antwerp và Hamburg, cuối cùng mới tới các thành phố trong lục địa châu Âu. Giờ thì hàng hóa của Trung Quốc có thể được vận chuyển trực tiếp từ kênh đào Suez tới thẳng Hy Lạp và vận chuyển qua các nước bằng tàu hỏa tới thẳng Tây Âu, tổng thời gian vận chuyển ước tính giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Dự án HSR Hungary - Serbia, cùng với các dự án cơ sở hạ tầng vận tải khác trong khu vực, sẽ làm giảm hơn nữa thời gian vận chuyển trong lục địa châu Âu, vì các tàu hỏa trong dự án HSR sẽ đạt tốc độ trung bình 160 - 190km/giờ, thay vì hiện nay là 72km/giờ
VIỆT ANH (tổng hợp)