Trung Quốc "ngắt" cơ chế "ngắt mạch" để ổn định thị trường chứng khoán

Trung Quốc "ngắt" cơ chế "ngắt mạch" để ổn định thị trường chứng khoán

(SGGPO).- Từ phiên giao dịch hôm nay 8-1, cơ chế "ngắt mạch" thị trường chứng khoán (TTCK) bị đình chỉ do không đạt mục tiêu dự định là làm dịu TTCK mỗi khi áp lực bán tăng cao, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết.

Khi cơ chế "ngắt mạch" bị "ngắt", chỉ số CSI300 đã tăng 1,7% lên 3,350.66 điểm vào đầu phiên giao dịch hôm nay 8-1-2016, sau khi đã giảm đến 12% trong 4 ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016. Ảnh: REUTERS

Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố tối qua của phát ngôn viên CSRC Deng Ke: "Hiện nay, tác động tiêu cực của cơ chế "ngắt mạch" lớn hơn tác động tích cực. Do đó, CSRC quyết định đình chỉ cơ chế này để duy trì sự ổn định thị trường".

Theo ông, cơ chế này "không phải lý do chính của sự sụt giảm thị trường, nhưng nó không thể đạt được hiệu quả mong đợi" khi càng làm thị trường lao dốc do các nhà đầu tư quyết định bán ra lúc cổ phiếu giảm xuống gần 5% hay 7%.

"Sắp tới, CSRC sẽ cẩn thận tổng hợp các kinh nghiệm và bài học, tổ chức nghiên cứu để cải thiện cơ chế và lấy ý kiến rộng rãi của công chúng", Deng cho biết.

Theo cơ chế "ngắt mạch", mới có hiệu lực từ ngày 1-1, để kiềm chế những biến động mạnh của TTCK Trung Quốc, giao dịch sẽ tạm ngưng 15 phút nếu chỉ số Hushen 300 - phản ánh hiệu quả của các blue-chip niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến - tăng hoặc giảm 5% trước 2 giờ 45 chiều; nếu chỉ số này tăng hoặc giảm đến 7% khi giao dịch trở lại thì thị trường sẽ đóng cửa đến hết ngày.

Đầu năm 2016, TTCK Trung Quốc vừa bắt đầu hoạt động lại, cơ chế "ngắt mạch" đã được kích hoạt trong cả 2 ngày 4 và 7-1, khi Hushen 300 lao dốc hơn 7% trong cả 2 ngày.

Giới chức CSRC đã yêu cầu các công ty môi giới chứng khoán nộp báo cáo hoạt động trước sáng 8-1 để đánh giá về cơ chế ổn định thị trường này.

Theo SCMP, trước khi CSRC đình chỉ cơ chế "ngắt mạch", các nhà theo dõi thị trường đã chỉ ra cơ chế thất bại do lỗi thiết kế.

Trong số hậu quả không lường trước, các nhà quản lý tài sản rút tiền mặt ra khỏi TTCK Trung Quốc vì lo ngại cơ chế "ngắt mạch" tạo tiêu cực về dài hạn cho thanh khoản thị trường.

"Điều quan trọng nhất để đảm bảo vốn là an toàn. Chúng tôi bị đặt vào một tình huống chưa từng có", một nhà quản lý quỹ đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ cho biết.

Hai nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Thượng Hải nói với SCMP, trong sáng nay họ có kế hoạch thoái vốn toàn bộ, nếu CSRC không điều chỉnh cơ chế "ngắt mạch".

Phiên giao dịch ngày 7-1, "mọi người đều tháo chạy khi chỉ số giảm gần mức gây ngắt mạch. Cơ chế đã ấn định 5% và 7% là 2 ngưỡng để ngắt mạch. Tuy nhiên, các ngưỡng quá thấp và quá dễ kích hoạt ngắt mạch", Adam Xu, một nhà quản lý quỹ đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải cho biết..

Tại Mỹ, cơ chế "ngắt mạch" toàn thị trường được đưa ra năm 1987 để ngăn thiệt hại từ lần chứng khoán sụt giảm đáng kể vào tháng 10 năm đó. Theo cơ chế hiện tại, các chỉ số chính của Mỹ giảm 7% trước 3 giờ 25 chiều sẽ kích hoạt ngưng giao dịch trong 15 phút. Nếu giảm đến 20% bất kỳ lúc nào trong suốt phiên giao dịch, toàn bộ TTCK sẽ đóng cửa đến hết ngày.

Tuy nhiên, tại các TTCK lớn của Mỹ, đóng cửa là một sự kiện hiếm hoi. Trong lịch sử hiện đại, chỉ một lần TTCK New York đóng cửa một thời gian dài sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

"Ngắt mạch làm tăng sự sợ hãi của thị trường, nhưng rõ ràng không phải nguyên nhân gây sự sợ hãi của thị trường. Đồng nhân dân tệ là yếu tố quan trọng kích hoạt sự điều chỉnh thị trường. Thị trường càng lo lắng nhiều hơn với mỗi lần phá giá đồng nhân dân tệ", Mo Ji, nhà kinh tế trưởng tại Amundi Funds Equity Asia ex-Japan cho biết.

THIỆN NGUYỄN

>> Chứng khoán Trung Quốc lại đóng cửa sớm: Thị trường náo loạn, nhà đầu tư lo lắng

Tin cùng chuyên mục