Trung Quốc ngay lập tức phải tuân thủ DOC

Đương kim chủ tịch ASEAN Indonesia đang tiếp tục phát huy vai trò của mình thông qua các cuộc họp liên quan của ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy an ninh và hòa bình ở Đông Nam Á.

  • Cần tuân thủ nghiêm túc DOC

Theo Jakarta Post, tại Hội nghị quan chức cấp cao chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đang diễn ra tại Surabaya, Indonesia, nước chủ nhà đồng thời là đương kim chủ tịch ASEAN đã kêu gọi các bên hạ nhiệt và quay về với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Michael Tene, nói: “Sự leo thang các vụ việc ở biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc ASEAN và Trung Quốc ngay lập tức phải tuân thủ các hướng dẫn thực hiện DOC”.

Ông Tene nhấn mạnh đến tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại Jakarta đầu tháng 5, theo đó thúc giục các bên tranh chấp ở biển Đông là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia nhanh chóng đi đến Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC) có tính cam kết mạnh mẽ hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định: “Tất cả các bên phải tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các vấn đề thông qua thương thảo hòa bình theo nguyên tắc Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển cũng như hạn chế những biện pháp dẫn đến leo thang bạo lực”.

Theo chuyên gia Andi Widjajanto tại Đại học Indonesia, những vụ việc gần đây ở biển Đông cho thấy ý đồ của Trung Quốc là đơn phương làm mọi việc bất chấp các cuộc thương thuyết hòa bình mà nước này cam kết theo đuổi. Theo ông, ASEAN phải nỗ lực đặc biệt để làm cho cơ chế trong DOC phát huy tác dụng bởi cơ chế hiện đang tồn tại trong ASEAN rõ ràng không phát huy tác dụng.

  • Nga và Mỹ củng cố quan hệ với ASEAN

Tờ Moscow Times của Nga ngày 9-6 có bài viết cho rằng Nga đang củng cố quan hệ với ASEAN. Theo bài báo, tại Đối thoại Shangri-La vừa rồi, nhiều nước hoan nghênh Nga và Mỹ cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần đầu tiên trong năm nay, một cơ chế được hình thành năm ngoái ở Hà Nội.

Nga cũng đang tăng cường vai trò của mình tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) cũng như gia tăng hợp tác trong các vấn đề như giảm nhẹ thiên tai và chống khủng bố. Tờ báo cho biết Nga bắt đầu xuất khẩu nguồn năng lượng tới châu Á và sẽ tăng mạnh lượng xuất khẩu trong thập niên tới. Do đó, Nga muốn đảm bảo ngõ vào và sự tự do lưu thông hàng hải theo các đường biển quốc tế. Chính vì quan ngại đến an ninh lâu dài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nga đã mua nhiều tàu chiến chở trực thăng Mistral của Pháp, vài chiếc sẽ được triển khai cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Về vai trò của Mỹ, tờ Jakarta Post viết rằng Mỹ đang đẩy mạnh mối quan hệ với ASEAN bằng việc tham dự hàng loạt hội nghị liên quan tới ASEAN ở Surabaya. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt M. Campbell dẫn đầu phái đoàn 18 người tới Surabaya.

Ông Campbell đã có nhiều cuộc gặp song phương với các nước đối tác trong khu vực và tham dự những cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á dự kiến diễn ra vào tháng 11 ở Bali. Thông báo của Lãnh sự quán Mỹ tại Surabaya cho biết mục đích chuyến đi của ông Campbell tới đây để chứng tỏ “một sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của Mỹ với sự phát triển và ổn định tại khu vực Đông Nam Á và tăng cường sự có mặt của Mỹ trong các cuộc họp liên quan tới ASEAN”. ASEAN cũng mong muốn sự đóng góp tích cực hơn của Nga và Mỹ vào an ninh khu vực. 

KHÁNH MINH

Thông tin liên quan

>> Tàu Trung Quốc lao vào tuyến cáp của tàu Viking II Việt Nam: Hành động có tính hệ thống, được chuẩn bị kỹ lưỡng 

Tin cùng chuyên mục