Sự kiện Nhật Bản hạ thủy Izumo - tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến II - được giới quan sát cho là sẽ khuấy động tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Trong khi truyền thông Trung Quốc đồng loạt vào cuộc phản đối động thái trên của Nhật Bản, thì lòng tin của người dân hai nước bước vào một cuộc khủng hoảng mới.
Vũ khí đối trọng của Nhật Bản
Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản DDH-183 mang tên Izumo được hạ thủy chưa đầy một năm sau khi Trung Quốc hạ thủy Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - hồi năm ngoái. Tàu chiến Izumo có chiều dài 248m, rộng 38m, trọng lượng giãn nước 19.500 tấn, tải trọng tối đa 27.000 tấn, có thể chở được 14 trực thăng... Mặc dù Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh vai trò tiềm năng của khu trục hạm trong việc cứu trợ thiên tai, vận chuyển nhân viên cứu hộ đến khu vực bị ảnh hưởng khẩn cấp, nhưng báo chí Nhật Bản cho rằng với khả năng chống tàu ngầm và giám sát của khu trục hạm Izumo sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ và biển đảo của Nhật Bản. Còn Bắc Kinh cho rằng đây thực chất là tàu sân bay, đối trọng của tàu Liêu Ninh của Trung Quốc.
Izumo bắt đầu được chế tạo từ năm 2009 nhưng được hạ thủy đúng vào thời điểm căng thẳng lãnh thổ Trung - Nhật liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku leo thang. Trong khi báo chí nước ngoài nhận định “sự kiện này sẽ gây ra một cơn địa chấn ở khu vực Đông Á”, thì truyền thông Trung Quốc đồng loạt vào cuộc phản đối động thái trên của Tokyo. Tờ Global Times của Trung Quốc cáo buộc việc Nhật Bản hạ thủy con tàu này đúng vào ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945 là cũng “có ý đồ sâu xa”. Đồng thời, việc Tokyo đặt tên tàu là Izumo - tên một tàu chỉ huy trong chiến tranh Trung - Nhật, là hành động tưởng nhớ quá khứ, “đi ngược lại thời đại”, có thể gây ra “chạy đua vũ trang” ở khu vực Đông Á. Tờ China Daily ngày 9-8 nhận định “Thủ tướng Abe đã đưa các vũ khí chiến lược quân sự vào để xây dựng lòng tự hào dân tộc”.
Ngay sau khi Izumo được hạ thủy, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố “Nhật Bản nên nghĩ kỹ về lịch sử của mình, tuân thủ và tôn trọng cam kết tự vệ theo con đường phát triển hòa bình”. Ông này cũng đã đề cập đến hiến pháp theo đường lối hòa bình mà Nhật Bản thông qua sau khi bại trận trong Thế chiến II.
Khủng hoảng lòng tin
Theo Bloomberg, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong 11 năm của Tokyo được thông báo trùng với việc Bắc Kinh thông qua tăng ngân sách quốc phòng lên 10,7% trong năm nay cho thấy cuộc chạy đua trong lĩnh vực quốc phòng của hai nước ngày càng quyết liệt hơn. Ước tính ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc sẽ tương đương 121 tỷ USD, nhiều gấp đôi ngân sách quốc phòng Nhật Bản 2013 ước tính chỉ 51,7 tỷ USD.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tham vọng biến Trung Quốc thành một cường quốc hàng hải đã khiến những tranh cãi về chủ quyền biển đảo trong thời gian qua giữa Trung Quốc và một số nước có tranh chấp thêm căng thẳng. Còn trong lúc này, một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng giữa người dân Nhật Bản và Trung Quốc đang hiện hữu. Một cuộc điều tra dư luận do tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản và một tờ báo bằng tiếng Anh trực thuộc chính phủ Trung Quốc đồng tổ chức trong tháng 6 và tháng 7-2013 cho thấy hơn 90% người dân được hỏi tại cả Nhật Bản và Trung Quốc có suy nghĩ không thiện cảm về nhau. Tỷ lệ này là cao nhất kể từ khi cuộc thăm dò này bắt đầu được thực hiện năm 2005. Lý giải cho tình trạng này, 53% người Nhật Bản và 78% người Trung Quốc cho rằng đó là do tình hình tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
HẠNH CHI (tổng hợp)