Vào lúc 21 giờ 16 phút ngày 29-9 (giờ địa phương), tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Tây Bắc Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh-2FT1 mang theo phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung-1 (Tiangong-1, ảnh) bay vào quỹ đạo Trái đất.
Module Thiên Cung-1 nặng 8,5 tấn, dài 10,4m, đường kính tối đa 3,35m, tạo ra một phòng rộng 15m² đủ cho hai hoặc ba phi hành gia sống và làm việc. Thiên Cung-1 sẽ bay quanh Trái đất trong một tháng để đợi tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 và dự kiến sẽ lắp ghép với nhau lần đầu tiên ở độ cao 340km từ bề mặt Trái đất.
Theo chương trình nghiên cứu không gian của Trung Quốc, sau hai lần lắp ghép thử, Thiên Cung-1 sẽ tiếp tục chờ lắp ghép với tàu Thần Châu 9 và Thần Châu 10, mỗi tàu sẽ mang theo ít nhất một phi hành gia và có thể có một phi hành gia nữ trong hai năm tới, mở đường cho Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới có một trạm vũ trụ hoạt động thường xuyên vào năm 2020. Nếu Trung Quốc lắp ghép thành công các thiết bị vũ trụ vào cuối năm nay, họ sẽ làm được điều mà Mỹ và Nga trước đây từng đạt được.
Phương Nam