Trung Quốc quyết “Săn cáo”

Khởi động từ tháng 5-2016, tính tới ngày 20-10, chiến dịch “Săn cáo 2016” của Trung Quốc đã bắt giữ 634 đối tượng lẩn trốn tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bộ Công an Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng tất các đối tượng tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài đều sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật.
Trung Quốc quyết “Săn cáo”

>> Chiến dịch “Săn cáo 2016” ở Trung Quốc: 634 tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài sa lưới

Khởi động từ tháng 5-2016, tính tới ngày 20-10, chiến dịch “Săn cáo 2016” của Trung Quốc đã bắt giữ 634 đối tượng lẩn trốn tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bộ Công an Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng tất các đối tượng tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài đều sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật.

Li Huabo, đối tượng nằm trong danh sách 100 đối tượng tội phạm người Trung Quốc của Interpol bị dẫn độ về Trung Quốc

1 triệu quan chức bị tình nghi tham nhũng

Trong số 634 đối tượng tội phạm lẩn trốn ra nước ngoài bị bắt giữ, có 16 đối tượng nằm trong danh sách 100 đối tượng tội phạm người Trung Quốc bị truy nã đặc biệt của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Ngoài ra, còn có 50 trường hợp phạm tội liên quan đến chức vụ, 31 đối tượng buôn lậu, 205 đối tượng phạm tội với số tiền từ 10 triệu nhân dân tệ (NDT) trở lên, trong đó có 59 trường hợp phạm tội với số tiền lên đến hơn 100 triệu NDT, 48 đối tượng đã trốn truy nã trong hơn 5 năm, và 17 đối tượng trong số này không để lại dấu vết trong vòng hơn 10 năm… Riêng trong năm 2016, có 409 tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài đã bị bắt giữ trong chiến dịch “Săn cáo” này.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên, phát biểu trong Hội nghị Trung ương 6 (từ ngày 24 đến 27-10), ông Tập Cận Bình thừa nhận vẫn còn nhiều quan chức tham nhũng đã bỏ trốn, chưa sa lưới pháp luật, và người dân vẫn chưa mấy hài lòng với chiến dịch này. Tờ Global Times  của Trung Quốc ngày 24-10 dẫn báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết 1,01 triệu quan chức nước này bị điều tra tham nhũng trong giai đoạn 2013-2016. Còn số liệu từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết, ngày càng nhiều quan chức tham nhũng cố tuồn tài sản ra nước ngoài trước khi bỏ trốn và chiến dịch “Săn cáo” là một biện pháp để ngăn chặn thực trạng này, và đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng mang tên “Lưới trời”.

Tăng tốc

Chiến dịch “Săn cáo 2016” là sự tiếp nối của Chiến dịch “Săn cáo 2015”. Theo dư luận, hiệu quả này có được nhờ Trung Quốc đạt được thỏa thuận dẫn độ tội phạm từ một số nước phương Tây. Mới đây, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Canada, một trong những thiên đường lẩn trốn của quan tham. Theo đó, Ottawa cho phép Bắc Kinh dẫn độ quan tham của đất nước đông dân nhất thế giới đang lẩn trốn ở quốc gia Bắc Mỹ này. Điều mà giới chuyên môn đánh giá cao trong thỏa thuận dẫn độ chính là Canada cho phép Bắc Kinh tịch thu số tài sản phi pháp của quan tham. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đạt được thỏa thuận nhận lại tiền phi pháp với một quốc gia khác.

Sắp tới, Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh được chiến dịch “Săn cáo 2016”. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Liu Jianchao, nguyên trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, người phụ trách chiến dịch “Săn cáo 2016” cho biết, sau Canada, Bắc Kinh còn nhận được cam kết của Mỹ, Australia... không trở thành nơi ẩn náu cho tội phạm tham nhũng. Theo ông Liu, cam kết này là một lời hứa chính trị vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, cũng như Canada, mặc dù giữa Mỹ và Trung Quốc chưa ký hiệp định dẫn độ chính thức, nhưng 2 trong số những kẻ tội phạm Trung Quốc bị bắt giữ năm 2015 đã bị dẫn độ từ Mỹ. Bắc Kinh cũng đang hối thúc Washington hợp tác trong việc dẫn độ Lệnh Hoàn Thành, em trai của Lệnh Kế Hoạch, nguyên là cố vấn dưới thời cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Sự hợp tác chống tham nhũng sâu rộng này tốt cho tất cả các nước, cùng có lợi cho các bên khi cần sự hỗ trợ của Trung Quốc.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục