Trung Quốc quyết tâm xuất khẩu tên lửa vũ trụ

Trung Quốc quyết tâm xuất khẩu tên lửa vũ trụ

(SGGP).- Cơ quan Quản lý vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) tuyên bố nước này đã bắt đầu phát triển tên lửa đẩy tàu vũ trụ Trường Chinh 6 kiểu mới để phục vụ các chương trình vũ trụ. Theo đó, các tên lửa đẩy Trường Chinh 6 sẽ không tạo ra chất thải độc hại, không gây ô nhiễm môi trường và một số công nghệ mới sẽ lần đầu tiên được ứng dụng tại Trung Quốc.

Từ mơ ước đến hiện thực

Tháng 10 năm 1985, Trung Quốc (TQ) tuyên bố đưa tên lửa đẩy tàu vũ trụ Trường Chinh vào thị trường dịch vụ phóng vệ tinh quốc tế. Lúc này, việc phóng vệ tinh địa tĩnh lên quỹ đạo cao đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường, nhưng TQ chỉ có tên lửa Trường Chinh 3 và chỉ có thể cõng vệ tinh địa tĩnh nặng 1,5 tấn, do vậy khả năng cạnh tranh ngoài thị trường quốc tế chưa cao. Với mơ ước chiếm lĩnh thị trường quốc tế, TQ đã nghiên cứu và phát triển một hệ tên lửa đẩy có kỹ thuật tiên tiến, tính năng cao hơn, hiệu suất tốt hơn, thích ứng với nhiều loại vệ tinh.

Chính phủ TQ đã phê chuẩn giai đoạn 2 dự án mang tên 862, đặt cơ sở cho sản xuất và xuất khẩu tên lửa đẩy Trường Chinh 3B, vừa nhằm đáp ứng yêu cầu quốc tế, là động lực phát triển các loại tên lửa đẩy thế hệ mới sau này, tạo điều kiện đưa các loại tên lửa nội địa ra nước ngoài làm dịch vụ.

“Gia tộc tên lửa” Trường Chinh tại triển lãm tên lửa quốc tế.

“Gia tộc tên lửa” Trường Chinh tại triển lãm tên lửa quốc tế.

Có thể nói, tên lửa đẩy Trường Chinh 3B là thành quả lớn của TQ. Tháng 4-1992, TQ ký hợp đồng mang tên Intel-1247 với Mỹ, thực hiện phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh Intelsat-7A, đây là hợp đồng đầu tiên của tên lửa đẩy Trường Chinh 3B trên thị trường, cũng là lần đầu tiên “gia tộc tên lửa” Trường Chinh được một trong những quốc gia hàng đầu về dịch vụ vệ tinh chọn dùng.

Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng. Tháng 2-1996, tên lửa đẩy Trường Chinh mang vệ tinh Intelsat 7A được phóng đi từ sân bay vũ trụ Tây Xương, sau 2 giây rời bệ phóng đã bị lệch quỹ đạo, 22 giây sau thì đâm vào một đỉnh núi nổ tan tành, thất bại thảm hại ấy gây tổn thất lớn cho ngành hàng không vũ trụ TQ. Không chùn bước, các nhà khoa học đã nghiên cứu ngày đêm, cuối cùng đã phát hiện ra nguyên nhân gây thảm họa trên. Với 266 cải tiến trong 44 hạng mục kỹ thuật, và sau hơn nửa năm miệt mài họ đã vui mừng khi tên lửa Trường Chinh phóng và đưa vệ tinh Mỹ lên quỹ đạo thành công.

Và theo báo chí TQ, “gia tộc tên lửa” Trường Chinh có khả năng vận tải tương đương tên lửa Ariana 42P của EU và cao hơn hẳn tên lửa PSLV của Ấn Độ, mà giá thành và chi phí lại thấp hơn 15% - 70%. Đến nay, “gia tộc tên lửa” Trường Chinh có thể mang theo vệ tinh địa tĩnh nặng 2,6-5,2 tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau tên lửa đẩy Proton của Nga. Tên lửa Trường Chinh được trang bị hệ thống định vị tiên tiến, đưa vệ tinh vào quỹ đạo với độ chính xác cao ngang với các loại tên lửa đẩy nổi tiếng như Ariana, Atlas, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của đối tác như mang nhiều vệ tinh, thay đổi quỹ đạo, thực hiện bay theo quỹ đạo nhiều lần hoặc rời bỏ quỹ đạo…

Cơ quan Hàng không vũ trụ TQ còn đưa ra nhiều mục tiêu phát triển trong 15 năm tới để tạo thêm điều kiện phát triển ngành tên lửa, gồm: xây dựng hệ thống vệ tinh quan sát đối đất ổn định, kết hợp thành từ nhóm các vệ tinh khí tượng, hải dương, môi trường, thực hiện việc quan sát thay đổi trên đất liền, trên biển; xây dựng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu hoạt động lâu dài và ổn định…

Chương trình phát triển tên lửa mới

Theo thống kê từ Cơ quan không gian TQ, tính từ khi phóng quả tên lửa đầu tiên Trường Chinh 1 cõng vệ tinh Đông Phương Hồng do TQ tự nghiên cứu chế tạo vào tháng 4-1970 đến nay, nước này đã phóng hơn 100 lần các loại tên lửa đẩy Trường Chinh với tỷ lệ thành công đến 90%. Các chuyên gia quốc tế về hàng không vũ trụ đánh giá rằng, với tỷ lệ phóng thành công này TQ đã đứng vào hàng các quốc gia và khu vực phát triển hàng đầu về tên lửa đẩy.

Tên lửa đẩy Delta của Mỹ có tỷ lệ phóng thành công lên đến hơn 94%, tên lửa Ariana của EU 93% và tên lửa Proton của Nga hơn 90%. Hơn thế, thế hệ tên lửa Trường Chinh đã được nâng cấp từ động cơ dùng nguyên liệu hóa lỏng đến nguyên liệu rắn không độc hại, không ô nhiễm môi trường. TQ đã thử nghiệm thành công động cơ sử dụng nguyên liệu rắn cho tên lửa đẩy thế hệ mới. Đây là một bước quan trọng trong nghiên cứu và phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới của TQ, có khả năng từ “cõng” một vệ tinh đến “vác” hai vệ tinh cùng một chuyến bay vào vũ trụ; từ việc mang theo vệ tinh đến mang theo tàu vũ trụ có người lái… bằng những công nghệ mới nhất.

Với chương trình phát triển tên lửa mới, TQ đang mong muốn đuổi kịp các nước phát triển trong lĩnh vực này. Ngân sách để thực hiện kế hoạch là 1,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 170 triệu USD). Tên lửa Trường Chinh 6 được thiết kế bởi Tập đoàn Khoa học và công nghệ vũ trụ TQ - tập đoàn từng thiết kế tàu vũ trụ Thần Châu 7 giúp các nhà du hành vũ trụ TQ lần đầu tiên bước ra khoảng không vũ trụ vào tháng 9-2008. Trường Chinh 6 sẽ hoàn tất và đưa ra phóng thử vào năm 2013.

TQ cũng có kế hoạch xây dựng một phòng thí nghiệm không gian đơn giản vào năm 2011 và một trạm vũ trụ không người lái vào năm 2020. Theo kế hoạch này, TQ đang xây dựng một nhà máy chế tạo tên lửa đẩy ở Thiên Tân và một trung tâm phóng tên lửa ở đảo Hải Nam.

Thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh 5 sẽ được đưa vào chế tạo khi nhà máy được xây xong. Trường Chinh 5 sẽ xuất xưởng năm 2011, hơn hẳn Trường Chinh 3-A về tải trọng và độ lớn. Chúng được thiết kế để đưa các vệ tinh hạng nặng lên các trạm không gian. Các công trình này có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành kỹ thuật không gian trong vòng 30-50 năm tới.

VIỆT ANH (Tổng hợp từ ChinaSpace, THX, ChinaNews)

Tin cùng chuyên mục