Tân Hoa xã đưa tin, ngày 7-8, Chính phủ Trung Quốc công bố quyết định phạt 6 hãng sữa lớn trong đó 5 nhãn hiệu nước ngoài gồm: Mead Johnson và Abbott của Mỹ; Dumex thuộc tập đoàn Pháp Danone; Friesland của Hà Lan; Fonterra của New Zealand. Nhãn hiệu thứ 6 thuộc công ty Biostime có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc). Tổng số tiền phạt lên khoảng 109 triệu USD. Đây là khoản tiền lớn nhất mà Trung Quốc từng phạt các công ty vi phạm luật chống độc quyền.
Thao túng thị trường sữa nội
Các nhãn sữa nằm trong danh sách bị phạt đều tuyên bố sẽ chấp hành mức án này. Số tiền phạt cho mỗi công ty (từ 650.000USD đến 33 triệu USD) được tính dựa trên doanh thu hàng năm, dao động từ 3% đến 6% doanh thu của mỗi hãng. Cả 6 công ty đều thừa nhận vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc bằng cách áp giá tối thiểu đối với các nhà phân phối, qua đó tăng chi phí đối với người tiêu dùng. Một khi các nhà phân phối này bán sữa với giá thấp hơn mức giá mà các công ty trên quy định, các công ty trên sẽ phạt tiền (gián tiếp hay trực tiếp), giảm chiết khấu, hạn chế hoặc ngừng cung ứng hàng…
Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cũng khẳng định không có dấu hiệu cho thấy các công ty này đã móc nối với nhau để thao túng giá sữa. Định giá tối thiểu là hoạt động khá phổ biến trong một số thị trường, nơi các công ty muốn duy trì hình ảnh thương hiệu cao cấp của mình. Tuy nhiên, các nhà quản lý Trung Quốc lại coi hành động đó là hành vi thao túng thị trường bất hợp pháp.
Ngoài 6 hãng sữa kể trên, có 3 hãng sữa khác cũng bị cáo buộc thao túng giá cả song được tha phạt tiền do có hành vi “thành khẩn”. 3 hãng này gồm Beingmate của Trung Quốc, Wyeth - hãng con của Nestle Thụy Sĩ và Meiji Dairies của Nhật Bản. NDRC đã mở cuộc điều tra do dư luận nước này bức xúc về tình trạng giá sữa quá cao. NDRC phát hiện các công ty nước ngoài và trong nước nâng giá sữa bột trẻ em vô tội vạ để kiếm lợi.
Sau khi NDRC mở cuộc điều tra, tháng trước phần lớn các hãng sữa ngoại ở Trung Quốc đều tuyên bố giảm giá sữa bột cho trẻ em. Abbott giảm giá các sản phẩm bao gồm các nhãn hiệu Similac và Pediasure từ 4% đến 12% tại Trung Quốc. Danone và Nestle cũng giảm giá mạnh xuống khoảng 20%. Việc giảm giá được xem là một nỗ lực để giảm nhẹ mức tiền phạt nếu các nhà điều tra Trung Quốc tìm thấy các hành vi sai trái của các hãng sữa này và xoa dịu sự tức giận của người tiêu dùng.
Củng cố thị trường trong nước
Sữa bột công thức các thương hiệu nước ngoài là mặt hàng hút khách tại Trung Quốc sau bê bối sữa bẩn năm 2008 làm ít nhất 6 trẻ em tử vong, khiến người tiêu dùng nước này mất lòng tin vào sữa bột trong nước. Các nhãn hàng sữa nước ngoài đang chiếm khoảng một nửa doanh số sữa bột công thức dành cho trẻ em tại Trung Quốc.
Thậm chí còn có nhiều người Trung Quốc chuyển sang mua sữa bột trực tiếp từ nước ngoài, với lập luận rằng không ít nhà phân phối hoặc bán lẻ trong nước thường xuyên thêm các chất phụ gia lạ vào sữa bột rồi dán nhãn “xịn” cho chúng. Một khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 41% người dân Trung Quốc năm ngoái tin rằng an toàn thực phẩm đã trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, so với 12% vào năm 2008.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc điều tra thao túng giá sữa của Chính phủ Trung Quốc là một phần trong kế hoạch củng cố ngành công nghiệp sữa bột của nước này.
Theo hãng tin Reuters, động thái của Chính phủ Trung Quốc cũng không nằm ngoài mục đích muốn bảo hộ thị trường trong nước trước sự lấn át của các nhãn hàng ngoại quốc từ các tập đoàn đa quốc gia đang gây ảnh hưởng mạnh. Động thái mới này cũng là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ siết chặt cho các doanh nghiệp nước ngoài hơn, nhất là sau khi nước này phát hiện những vụ “lại quả” như trường hợp của hãng dược phẩm Glaxo Smith Kline gây xôn xao dư luận thời gian qua.
THANH HẰNG (tổng hợp)