Trung Quốc tận dụng thế mạnh tiền tệ

Khi Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu cho biết xuất khẩu trong tháng 5 vừa qua của nước này tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp đôi so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế, hãng tin tài chính Bloomberg nhận định, động lực khiến xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 5 là do sự phục hồi từ thị trường Mỹ (tăng 23%) và thị trường Liên minh châu Âu (tăng 3,2%).

Tuy nhiên, khi phân tích nguyên nhân đưa đến thành công bất ngờ này, báo New York Times cho rằng trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu trượt dài trong suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Mỹ, các nhà máy của Trung Quốc đã không ngừng duy trì cuộc chạy đua cạnh tranh với đối thủ là các nước đang phát triển và các nhà máy ở phương Tây để giành giật thị phần chứ thực ra nhu cầu toàn cầu hầu như không tăng.

Thành công của xuất khẩu Trung Quốc là một sự kết hợp đầu tư dài hạn giữa quá trình tự động hóa sản xuất là lợi thế của sự giảm giá đồng NDT. Theo New York Times, các công ty khắp Trung Quốc đang đầu tư các thiệt bị tiết kiệm lao động, tổ chức lại khâu quản lý, bán hàng và thực hiện nhiều biện pháp khác để kiểm soát chi phí lao động… nhằm giảm tối đa chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ. Thậm chí, nhiều công ty Trung Quốc và Hồng Công - Trung Quốc, như Tập đoàn TAL, đã mở thêm các nhà máy tại một số nước Đông Nam Á để tận dụng nhân công giá rẻ (rẻ hơn nhân công tại Trung Quốc).

Khi nền kinh tế nội địa tăng trưởng chậm, Chính phủ Trung Quốc cũng chủ động chống chọi những tổn thương của thị trường bằng cách tận dụng thế mạnh tiền tệ giúp các nhà xuất khẩu trong nước. Với các biện pháp siết chặt tiền tệ, điều chỉnh lạm phát, đồng NDT tháng trước giảm gần 1% so với đồng USD, mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi Bắc Kinh thả nổi đồng NDT so với USD vào tháng 7-2005. Đồng NDT yếu hơn sẽ giúp cho hàng hóa Trung Quốc càng rẻ hơn ở thị trường nước ngoài.

Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu khoảng 70 ngân hàng nhà nước và tổ chức tài chính hỗ trợ cho vay ưu đãi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, những nhà xuất khẩu nằm trong chiến lược thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước sẽ hưởng được lãi suất vay rất thấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nội địa đang gặp nhiều khó khăn, sự tăng trưởng ngoạn mục trong lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, cho dù đã bảo vệ được hàng triệu việc làm trong các nhà máy xuất khẩu (không tính đến các nhà máy sản xuất trong nước) nhưng có thể thổi bùng căng thẳng thương mại với Mỹ và phương Tây, nơi đang trượt dài trong nợ nần và thất nghiệp. Sự thống trị của hàng xuất khẩu Trung Quốc tại thị trường Mỹ có “tiềm năng” trở thành vấn đề trong cuộc bầu cử tổng thống của cường quốc này vào tháng 11 tới. Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã cam kết sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng NDT. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thành lập một nhóm điều tra hành vi vi phạm luật thương mại của Trung Quốc.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục