Ngày 5-5, Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết hải quân nước này đã bắt đầu các cuộc tập trận lớn ở biển Đông, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó Bắc Kinh tiếp tục lớn tiếng yêu cầu Mỹ và Anh không can dự vào vấn đề biển Đông.
Tập trận ở 3 nơi
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết để chuẩn bị cho cuộc tập trận này, Trung Quốc huy động nhiều vũ khí tiên tiến với chiến thuật của “chiến tranh đặc biệt”.
Trước đó, theo Tân Hoa xã, 3 tàu hải quân thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã lên đường tới cảng hải quân ở Tam Á, tỉnh Hải Nam vào ngày 4-5 cùng lúc với các đội tàu đến phía Nam biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. 3 tàu này bao gồm tàu khu trục tên lửa Hợp Phì, tàu khu trục tên lửa Sanya và tàu tiếp vận Honghu. Sau đó, 3 chiếc tàu này sẽ cùng tham gia tập trận với các tàu khu trục tên lửa Lan Châu và Quảng Châu, cũng như tàu khu trục tên lửa Yulin.
Trung Quốc cũng huy động các lực lượng hải quân đồn trú tại các đảo ở biển Đông và cả lực lượng của Hạm đội Bắc Hải tham gia cuộc tập trận. Cuộc tập trận được cho là nhằm “tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp thực tế giữa tàu chiến và máy bay cũng như các lực lượng khác”.
Trong khi đó, Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh, đã yêu cầu Anh ngừng can thiệp vào tranh chấp biển Đông. Theo ông này, “vấn đề biển Đông đang được những người ở Mỹ và Anh đẩy lên, trong đó cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng trong khu vực. Họ tuyên bố nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không nhưng trong thực tế hành xử thành kiến và thiên vị càng làm tăng thêm căng thẳng”. Liu lại mang “bài cũ” ra rao giảng khi ngang ngược cho rằng Trung Quốc “là quốc gia đầu tiên phát hiện và đặt tên các đảo và bãi đá ngầm ở biển Đông”.
Thượng đỉnh G7 sẽ ủng hộ tự do hàng hải ở biển Đông
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thăm châu Âu, trong đó nội dung chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - sẽ nhóm họp tại Nhật Bản vào cuối tháng 5) là một trong những trọng tâm. Thắt chặt mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước phương Tây từ lâu đã là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông Abe.
Thủ tướng Abe đang cố gắng giữ vai trò của Nhật Bản trong việc duy trì an ninh khu vực châu Á và trật tự toàn cầu. Sau khi hội nghị ngoại trưởng G7 trong tháng 4 lên án Trung Quốc gây căng thẳng, dự kiến Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng sẽ ra tuyên bố về biển Đông. Anh gần đây cũng đã có nhiều tuyên bố bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Ngoài Nhật Bản, Mỹ và Canada, 4 nước còn lại của G7 đều thuộc châu Âu gồm Đức, Anh, Pháp và Italia. Vì vậy tiếng nói của 4 nước này sẽ quan trọng không kém đóng góp vào sự thống nhất của G7.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và các nhà lãnh đạo EU thống nhất quan điểm về tự do hàng hải ở biển Đông
Theo Reuters, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành khu vực châu Á và Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu (EEAS), cho biết, tại một diễn đàn ở Bắc Kinh rằng những diễn biến gần đây ở biển Đông gây quan ngại với EU. Ông lưu ý, một nửa giao dịch thương mại của thế giới đi qua biển Đông và an ninh kinh tế của EU cũng gắn liền với sự ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Wiegand khẳng định, EU cam kết ủng hộ trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS năm 1982).
Michael Reiterer, cố vấn về châu Á - Thái Bình Dương của EEAS, cho biết, các thành viên EU đã ký kết UNCLOS, muốn các bên tôn trọng UNCLOS, cũng phù hợp với Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) ký kết với ASEAN. Trong năm 2012, EU đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực Đông Nam Á bằng cách tham gia các điều ước quốc tế và đã ký một chương trình hành động tại Brunei để thực hiện tăng cường hợp tác với ASEAN.
THỤY VŨ (tổng hợp)