Trung Quốc tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông

Ngành giáo dục của Trung Quốc đang đổi mới liên tục với nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ giáo dục đa dạng. Một trong số đó là vấn đề giảm tải chương trình và vấn đề dạy và học thêm.

Học sinh Trung Quốc trong giờ thực hành. Ảnh: CHINABRIEFING
Học sinh Trung Quốc trong giờ thực hành. Ảnh: CHINABRIEFING

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này sẽ thúc đẩy sự phát triển cân bằng, chất lượng cao và gia tăng sự hội nhập giữa thành thị - nông thôn trong hệ thống giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm, phân bổ nguồn lực giáo dục theo quy mô dân số và đảm bảo trẻ em có thể đăng ký học tại các trường học lân cận.

Trung Quốc có hệ thống giáo dục nhà nước lớn nhất thế giới, với 293 triệu học sinh và 18,8 triệu giáo viên tại hơn 518.500 trường học cơ sở tính đến năm 2022. Trong đó, 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở) là tiền đề quan trọng cho ngành giáo dục. Với nhu cầu cao này, thị trường giáo dục Trung Quốc là một trong những lĩnh vực sinh lợi nhất cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Theo Báo cáo Thị trường giáo dục Trung Quốc, thị trường giáo dục nước này ước tính đạt 572,51 tỷ USD (4,09 ngàn tỷ NDT) năm 2023, tăng trưởng với tốc độ 11,3% trong giai đoạn từ 2018-2023. Tháng 7-2021, Chính phủ Trung Quốc tiến hành kiểm soát sâu rộng đối với khu vực dạy thêm tư nhân, cấm các gia sư mở các lớp học vì lợi nhuận dạy các môn học trong chương trình học ở trường. Chính sách được gọi là “shuangjian” (giảm gấp đôi) này nhằm mục đích hạn chế bài tập về nhà và dạy kèm sau giờ học, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và khối lượng bài vở cho học sinh.

Ông Ma Zhiwu, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân toàn quốc và Phó Giám đốc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân tỉnh Giang Tây, cho biết, chính sách giảm gấp đôi phản ánh bản chất phi lợi nhuận của giáo dục bắt buộc.

Tuy nhiên, ông Ma cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề trong việc thực hiện chính sách, chẳng hạn như các tiêu chuẩn và tiến bộ trong quy định khác nhau của chính quyền địa phương, cũng như các cơ sở dạy kèm tư nhân muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh khi quy định dần lỏng lẻo hơn. Không ít công ty dạy học đã phải đối mặt với khó khăn về tài chính, phá sản.

Nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của lệnh cấm học thêm khi hệ thống thi tuyển sinh, trong đó các trường trung học và cao đẳng vẫn tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm của các bài kiểm tra. Vào được một trường đại học ưu tú thường có nghĩa có cơ hội lớn hơn để tìm được một công việc tốt trong thị trường Trung Quốc đầy cạnh tranh. Do áp lực luyện thi vẫn còn nên phụ huynh vẫn thấy học thêm sau giờ ở trường để con mình không bị tụt hậu là cần thiết.

Trước nhu cầu cao và thị trường béo bở, một số công ty đã âm thầm nối lại dịch vụ dạy kèm tư nhân. Do đó, ngành dạy kèm vì lợi nhuận đã chuyển đổi thành một thị trường ngầm, với các đại lý và gia sư phối hợp riêng với phụ huynh thông qua các nhóm WeChat hoặc nền tảng riêng tư.

Nhận thấy điều này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố dự thảo quy định đối với ngành dạy thêm sau giờ học hôm 8-2. Dự thảo gồm 20 điều được mở để lấy ý kiến công chúng cho đến ngày 8-3, đánh dấu hướng dẫn toàn diện cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục