Ngày 1-4, Bộ Công an Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến dịch “Săn cáo 2015” trên toàn quốc. Đối tượng trọng tâm của chiến dịch này là những tội phạm kinh tế; quan chức, nhân viên nhà nước tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Trở ngại dẫn độ
Chiến dịch “Săn cáo 2015” được triển khai chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc gửi cho Mỹ bản danh sách các nghi can tham nhũng hàng đầu đã bỏ trốn tới Mỹ. Phía Trung Quốc tin rằng số tội phạm kinh tế đang sống tại Mỹ khoảng 150 người. Trong khi đó, hãng BBC dẫn nguồn tin giấu tên cho hay Trung Quốc cũng đã đề nghị Anh giúp đưa 50 quan chức tham nhũng đang lẩn trốn ở đảo quốc sương mù “hồi hương”.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh không có thỏa thuận dẫn độ với Washington cũng như London khiến yêu cầu trên khó được đáp ứng. Vì vậy, Trung Quốc sẽ phải tiến hành các cuộc thảo luận với cơ quan chức năng của Mỹ và Anh đối với từng trường hợp cụ thể. Trung Quốc cũng không ký kết thỏa thuận dẫn độ với Canada và Australia, những quốc gia được cho là điểm đến ưa thích của nhiều quan chức Trung Quốc tham nhũng.
Trong khi đó, Chính phủ Pháp cam kết sẵn sàng trợ giúp Trung Quốc với điều kiện Bắc Kinh phải từ bỏ án tử hình. Trung Quốc đã gửi bản danh sách 10 quan chức tham nhũng được cho là đang sống tại Pháp hoặc một số quốc gia lân cận.
Một buổi bán đấu giá xe sang của các quan chức Trung Quốc bị buộc tội tham nhũng
Chính sách khoan hồng
Một số chuyên gia phân tích do khó khăn đến từ các thỏa thuận dẫn độ, chiến dịch “săn cáo” hiệu quả phần lớn dựa vào những chính sách khoan hồng của Bắc Kinh. Tháng 10-2014, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin 40% những người tình nghi tham nhũng hồi hương đã đầu thú do chính sách khoan hồng của Trung Quốc.
Nói về điều này, Xue Lei, chuyên gia về luật quốc tế của Viện Nghiên cứu Thượng Hải về các vấn đề quốc tế, cho hay rất nhiều quan chức bỏ trốn với niềm tin sẽ tìm thấy thiên đường ở nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết những người này phải đối mặt với một cuộc sống đầy khó khăn và rủi ro. Ngoài ra, việc nằm trong danh sách đen đồng nghĩa với việc họ bị buộc tội là tội phạm kinh tế. Điều này khiến khả năng họ phải chịu những cáo buộc rửa tiền tại quốc gia đang lẩn trốn rất lớn. Trong khi nếu ra đầu thú, họ sẽ được giảm án. “Vì vậy, rất nhiều người chọn việc quay trở về, thụ án rồi bắt đầu xây dựng lại cuộc sống”, chuyên gia Xue Lei nói.
Trường hợp mới nhất là Wang Guoqiang, cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh. Đầu tháng này, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã cho đăng tải lời thú nhận của Wang Guoqiang, người bị buộc tội chiếm dụng trái phép hơn 32 triệu USD rồi bỏ trốn sang Mỹ 3 năm trước. Theo đó, điều kiện sống tồi tệ khiến vợ chồng ông này luôn trong tình trạng hoảng loạn, khiếp sợ. Quá chán nản, ông Wang Guoqiang đã ra đầu thú.
Chiến dịch chống tham nhũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua năm 2012. Bắc Kinh cam kết sẽ tịch thu tài sản của các quan chức có được từ các nguồn lợi bất chính. Ví dụ như Bắc Kinh đang cho vào tầm ngắm biệt thự rộng hơn 370m² tại Los Angeles (Mỹ) của Trương Thử Quang, cựu quan chức cấp cao ngành đường sắt Trung Quốc, người đã phải lĩnh án tử hình vào tháng 10-2014 vì tội nhận hối lộ 7,68 triệu USD.
Chính phủ Trung Quốc một lần nữa cảnh báo không có quan chức nào từ “hổ” đến “ruồi” phạm tội có thể an toàn, thoát được chiến dịch chống tham nhũng. Việc 680 tội phạm kinh tế đầu thú trong chiến dịch “Săn cáo 2014” đã phần nào chứng minh cho quyết tâm trên của Bắc Kinh. Tờ Independent nhận định, quyết tâm “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nhiều đã tạo được sự tin tưởng trong người dân, cũng như khiến các quan tham, tội phạm kinh tế sợ hãi.
ĐỖ CAO (tổng hợp)