Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 9 tới, bất chấp nhiều quan chức Mỹ thừa nhận bất ổn trên thị trường chứng khoán (TTCK) có thể khiến Mỹ trì hoãn việc siết chặt chính sách tiền tệ.
Thời điểm quyết định
Theo Reuters, một số nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Phó Chủ tịch FED Stanley Fischer, cho biết, những biến động gần đây trên TTCK toàn cầu có thể giảm đi nhanh chóng và có thể mở đường cho việc FED tăng lãi suất. Theo họ, không ít ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới cũng đang đối mặt với khả năng tăng lãi suất.
Mặc dù vậy, ít nhất là 5 quan chức FED công khai ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất cho vay của FED là quá mạo hiểm trong bối cảnh suy thoái kinh tế của Trung Quốc và USD đang tăng giá. Mặc dù vậy, phát biểu với CNBC bên lề hội nghị ngân hàng trung ương hàng năm tại Jackson Hole, bang Wyoming ngày 28-8, ông Fischer cho biết FED vẫn đang xem xét thời điểm tăng lãi suất như thế nào cho thích hợp. Ông cùng với các quan chức FED khác thừa nhận rằng việc bán tháo cổ phiếu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến thời điểm tăng lãi suất của FED.
Ban lãnh đạo FED họp bàn khả năng tăng lãi suất trong tháng 9 tới
Theo các nhà kinh tế thế giới, mối lo ngại về nền kinh tế giảm tăng trưởng của Trung Quốc đã lấn át thị trường, bao gồm cả Wall Street, ngay cả khi dữ liệu kinh tế cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ báo cáo cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng đạt 3,7% trong quý 2, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó và rằng chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế, đã tăng trở lại trong tháng 7.
Ủy ban chính sách của FED cho biết, một trong những lợi thế của FED là cơn bão chứng khoán đang giảm dần và FED hy vọng vào giữa tháng 9, khi FED họp quyết định nâng lãi suất, TTCK toàn cầu sẽ ổn định trở lại.
Vì vậy, giai đoạn từ đây đến giữa tháng 9 sẽ rất quan trọng cho FED cũng như cho các thị trường toàn cầu. Nếu FED quyết định tăng lãi suất, dòng vốn tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục chảy về Mỹ, đẩy nguồn cung tài chính cho các thị trường này thêm khó khăn và khi đó có thể TTCK nhiều nước lại chao đảo.
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ
Những lo ngại về khả năng FED tăng lãi suất đã gây ra cơn địa chấn trên TTCK toàn cầu chứ không phải là do Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Đó là khẳng định của ông Yao Yudong, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính và ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Theo Reuters, các quan chức tài chính Trung Quốc muốn FED nên trì hoãn bất kỳ đợt tăng lãi suất nào để các nền kinh tế mới nổi có thời gian hồi phục. Theo ông Yao, quyết định của Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ không phải là cái gốc của vấn đề.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân chính của đợt giảm giá trên TTCK toàn cầu vừa qua xuất phát từ lo ngại nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, bất chấp những nỗ lực kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh. Ông Yao lại cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nền tảng vững chắc và tự tin rằng tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Trung Quốc sẽ đạt 7%. Theo ông Yao, vấn đề là một số nền kinh tế mới nổi khác đang đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính. Điều ông Yao mong muốn là FED nên tiếp tục duy trì lãi suất hiện tại để các nền kinh tế mới nổi có đủ thời gian phục hồi. “FED không nên chỉ xem xét đến nền kinh tế Mỹ mà cũng nên xem xét các nền kinh tế khác hiện rất mong manh”, ông Yao nói với Reuters. FED thì thừa nhận hành động tăng lãi suất của họ có thể khuấy động thị trường toàn cầu nhưng cho rằng họ không phải là người quản lý nền kinh tế thế giới. Rối loạn TTCK “không phải là vấn đề của Mỹ”, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang tại New York William Dudley nói.
Nền kinh tế Brazil đã rơi vào suy thoái, theo các số liệu của Chính phủ Brazil ngày 28-8. GDP của nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới này sụt giảm 1,9% và tốc độ tăng trưởng giảm 2,6% trong quý 2. Các nhà kinh tế dự báo đợt suy thoái này có thể kéo dài trong nhiều năm. |
THỤY VŨ (tổng hợp)