Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Nhọc nhằn thực hiện tác quyền

Con đường đầy chông gai

Việc thực hiện tác quyền âm nhạc tựa như chuyện dài không dứt, đặc biệt khi bước vào hội nhập và sau khi Việt Nam là thành viên của WTO thì vấn đề này phải được quan tâm nghiêm túc…

Con đường đầy chông gai

Một số cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm liên quan chưa thấy rõ việc thực thi nghiêm chỉnh quyền tác giả là một giải pháp, một chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và kích thích những sáng tạo trí tuệ… Một vài đơn vị trong ngành phát thanh truyền hình đã tìm mọi lý do thoái thác nghĩa vụ của mình. Cá biệt có người nói mấy ông nhạc sĩ cần phát sóng sao còn đòi tiền tác quyền? Hay lập luận rằng những bài hát truyền thống cách mạng để phục vụ nhân dân chẳng lẽ lại lấy tiền dân trả tác quyền.

Khá nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh dù biết những quy định của luật pháp về quyền tác giả, nhưng vẫn cố tình trì hoãn, chây ỳ được chừng nào hay chừng nấy. Trên địa bàn TPHCM, trong số 35 quán bar, phòng trà, cà phê lớn sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc, chỉ có phòng trà Lê Quang, Nguyễn Ánh 9, cà phê Cát Đằng là đã ký hợp đồng trả tác quyền, một số hẹn khất lần và 18 đơn vị không phản hồi bất cứ thông tin nào. Mới có 7/35 siêu thị ký hợp đồng thực hiện tác quyền âm nhạc.

Trong số 13 website, chỉ có website của Công ty Việt Way ký kết. Hầu như khu vực karaoke sử dụng âm nhạc kinh doanh không trả tiền bản quyền tác giả. Ở phía Nam có 14 đài phát thanh truyền hình ký hợp đồng, 5 đài chờ ký, còn 13 đài đang thảo luận và chần chừ. Ở đây có điều cần suy ngẫm là tỷ lệ đơn vị nước ngoài chấp hành cao hơn hẳn so với đơn vị trong nước với 10 khách sạn 5 sao của nước ngoài đã ký kết thực hiện tác quyền âm nhạc (chỉ còn 2 khách sạn Amara và Windsor chưa hồi âm).

Nhiều việc làm đẹp lòng tác giả

Cho đến nay, gần 1.100 tác giả âm nhạc trong nước, hàng chục ngàn tác giả của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, qua những ký kết song phương, đã tin tưởng giao cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (TTBVQTGANVN) trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của họ theo những quy định của luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế.

Từ 1-6-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của CISAC (Hiệp hội Các nhà soạn nhạc và lời quốc tế) bao gồm 219 hiệp hội của 115 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 2,5 triệu tác giả. CISAC có ý đề nghị TTBVQTGANVN chọn những vụ vi phạm tác quyền lớn để CISAC chi tiền bảo trợ kiện ra tòa. Quyền lợi của các nhạc sĩ Việt Nam sẽ được bảo vệ hữu hiệu trên thế giới.

Ông Edmund Lam (chủ tịch) và ông Ang Kwee Tiang (giám đốc) của CISAC khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hoan nghênh những kết quả đạt được của TTBVQTGANVN và hy vọng trung tâm sẽ ngày càng vững mạnh. Tại TPHCM, TTBVQTGANVN - Chi nhánh phía Nam đã thu hộ và trả tiền tác quyền cho nhiều tác giả nổi tiếng (kể cả những tác giả đã mất hay ở nước ngoài) như: Xuân Hồng, Trần Kiết Tường, Từ Huy, Y Vân, Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Trần Thiện Thanh (Nhật Trường)... Gia đình các nhạc sĩ đã đến nhận tiền nhiều đợt và xem trung tâm là mái nhà thân thương.

Trong thực tế, khi thực hiện bảo vệ tác quyền đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp nhưng trung tâm vẫn đeo bám giải quyết. Như vụ cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà có 2 vợ là ca sĩ Nhã Phương và 1 người ở nước ngoài đã xảy ra tranh chấp quyền thừa kế. Trung tâm vừa hòa giải, vừa nhờ nhạc sĩ Quốc Dũng làm cầu nối, hiện chưa xong nhưng tình hình khá sáng sủa. Tương tự, nhạc sĩ Hoàng Phương (đã mất) ở Tiền Giang có 2 vợ và 11 người con cần được chia hợp lý. Trung tâm cố hòa giải, nhưng chủ yếu dựa vào quyết định của tòa án Tiền Giang, và việc trả tiền tác quyền êm xuôi, vui vẻ.

Trường hợp Vinh Sử - Giao Tiên ở Khánh Hòa lại phức tạp một kiểu khác. Vì 2 ông là bạn, trước đây có hỗ trợ nhau phần lời hoặc phần nhạc, sáng tác chung, nay phát sinh chuyện tác quyền và trung tâm đã giải quyết ổn thỏa. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cứ mỗi lần tới nhận tiền tại trung tâm lại mua quà tặng, hay vợ nhạc sĩ Hoàng Phương mang trái cây từ Tiền Giang lên biếu lấy thảo... Ngoài ra những nơi, các hãng băng đĩa có sử dụng âm nhạc nước ngoài chỉ cần qua trung tâm đóng tác quyền theo giá Việt Nam. Ví dụ có trường hợp 500.000 đồng/tác phẩm ở VN (trong khi ở Mỹ, Pháp là 100 USD) và đơn giản hơn nhiều so với trước.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó Giám đốc TTBVQTGANVN, Giám đốc Chi nhánh phía Nam tại TPHCM, nói: “Chúng tôi cố gắng thực hiện tốt mục đích phi lợi nhuận để ngày càng có nhiều nhạc sĩ tín nhiệm ủy quyền, đồng thời giám sát các nơi có sử dụng âm nhạc để nhạc sĩ không bị thất thoát tiền bản quyền”. Được hỏi là có cao không khi trung tâm lấy 25% chi phí khi thu hộ tiền tác quyền, ông Cẩn giải thích: “Không phải loại hình nào cũng 25% mà có những loại 10% như băng đĩa nhạc chẳng hạn. Tùy mức độ thu khó dễ, xa gần, phức tạp hay thuận lợi. Có những vụ đi lại đàm phán nhiều lần, hay đi thu tiền tác quyền tận Cà Mau 5 lần 7 lượt mới xong thì 25% vẫn không đủ. Tuy nhiên do diễn biến tốt dần, nên cuối năm 2007 sẽ giảm từ 25% xuống 23%”.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục