Nằm trong kế hoạch chống khủng bố, Chính phủ Pháp đã công bố việc thiết lập 12 trung tâm chống cực đoan ở mỗi vùng nhằm giúp đỡ và loại bỏ tư tưởng cực đoan đối với những đối tượng là thanh niên đã hoặc có thể dính líu tới các hệ thống phần tử Hồi giáo cực đoan, đồng thời ngăn chặn họ gia nhập các tổ chức khủng bố.
Trung tâm đầu tiên được mở cửa vào cuối tháng này tại một lâu đài cổ từ thế kỷ 18 ở thị trấn Beaumont-en-Véron, một cộng đồng dân cư nhỏ sống tại thung lũng Loire, cách thủ đô Paris gần 300km về phía Nam. Dự kiến, những ngày đầu đi vào hoạt động, trung tâm sẽ thu hút các đối tượng ở độ tuổi 18 đến 30. Chính phủ Pháp cũng đề ra mục tiêu 12 trung tâm khi mở cửa sẽ thu hút khoảng 3.600 đối tượng có tư tưởng quá khích hoặc cực đoan trong vòng 2 năm tới, tiến tới loại bỏ dần những nỗi lo về an ninh tại Pháp. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, việc gia nhập các trung tâm này là tự nguyện chứ không phải ép buộc, nhằm mở ra một lối thoát cho những người có tư tưởng cực đoan.
Những hình ảnh đầu tiên của các trung tâm cũng đã được đăng tải trên truyền thông Pháp. Nơi đặt trung tâm là những lâu đài cổ, có những phòng ngủ tập thể, phòng đọc sách, phòng cộng đồng với những màu sắc bắt mắt. Chương trình kéo dài khoảng 10 tháng tại các trung tâm. Hàng ngày, các hoạt động sẽ bắt đầu từ 6 giờ 45 phút sáng, sau nghi lễ chào quốc kỳ Pháp, các đối tượng cùng tham gia vào các khóa học lịch sử Pháp, tôn giáo, triết học và tập luyện thể dục thể thao.
Theo Washington Post, kế hoạch nhận được khá nhiều sự ủng hộ nhưng bên cạnh đó cũng có vô số chỉ trích từ những cư dân ở các khu vực được thiết lập mở cửa các trung tâm. Người dân ở đây cho rằng việc mở trung tâm sẽ thu hút các đối tượng Hồi giáo cực đoan và đẩy những nơi vốn yên bình nằm trong tầm ngắm của những đối tượng này. Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, đây là một ý tưởng hay nhưng kế hoạch có lẽ chỉ mang tính thử nghiệm do chính phủ vẫn chưa có những phương pháp tính toán và xác định khả năng thành công của những trung tâm này.
Nỗi lo khủng bố đang ám ảnh nước Pháp sau những vụ tấn công khủng bố từ đầu năm 2015. Cho đến nay, đã có 230 người chết trong các vụ tấn công. Nước Pháp vẫn được đặt trong tình khẩn cấp. Tính đến tháng 4 năm nay, có khoảng 2.000 người từ Pháp đã tham gia chiến đấu cho các tổ chức cực đoan ở Iraq và Syria. Khoảng 9.300 người được xác định là mang tư tưởng cực đoan theo hướng bạo lực. Nước Pháp ngày càng trở nên cảnh giác với những âm mưu khủng bố và hiện tượng cực đoan hóa trong nước. Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, quan hệ giữa nước Pháp và cộng đồng nhập cư gốc Bắc Phi đặc biệt căng thẳng ở các vùng ngoại ô Paris và các thành phố lớn, nơi có nhiều người Hồi giáo và các gia đình có nguồn gốc Arab và vùng hạ Sahara sinh sống. Nhiều người trong số họ bắt đầu phạm tội vặt, nhưng cũng có nhiều người tìm đến Hồi giáo cực đoan như một cuộc đời mới để thỏa mãn lòng tự tôn. Cũng vì lý do này mà cũng có không ít dư luận cho rằng, để xóa bỏ những tư tưởng cực đoan có lẽ không chỉ nằm ở 12 trung tâm vì nó vốn nằm trong gốc rễ của xã hội.
THANH HẰNG