Trung tâm dạy nghề cần chuyển đổi để tồn tại

Hiện nay, có một thực trạng đáng lo ngại tại các trung tâm dạy nghề trên địa bàn TPHCM là cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu về trình độ công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, việc chậm cập nhật các ngành nghề mới, vẫn còn đào tạo các ngành nghề không còn phù hợp với xu thế phát triển đã khiến học viên không mặn mà với các trung tâm dạy nghề.

Hiện nay, có một thực trạng đáng lo ngại tại các trung tâm dạy nghề trên địa bàn TPHCM là cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu về trình độ công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, việc chậm cập nhật các ngành nghề mới, vẫn còn đào tạo các ngành nghề không còn phù hợp với xu thế phát triển đã khiến học viên không mặn mà với các trung tâm dạy nghề.

Tại một tiệm sửa xe gắn máy trên đường Lê Thị Riêng (quận 1), người ra vào tấp nập, những người thợ luôn tay tháo ráp, thay sửa các bộ phận của xe. Ngoài thợ chính, tiệm còn nhận dạy cho người muốn học nghề. Anh Nguyễn Văn Tuấn (quê Trà Vinh) đang theo học nghề sửa xe tại đây chia sẻ, anh từng đi học nghề tại trung tâm dạy nghề của một quận, nhưng khi học được hơn nửa khóa thì anh nghỉ và theo lời giới thiệu của một người bạn, anh Tuấn đến học nghề tại tiệm sửa xe này. Anh Tuấn bảo nếu biết trước anh đã đi học ở tiệm ngay từ đầu, chứ học ở trung tâm tốn tiền mà lại không hiệu quả. Theo anh Tuấn, thời gian đầu trung tâm sẽ dạy lý thuyết, sau đó đến thực hành, nhưng chỉ được ứng dụng trên một số máy móc cơ bản, thiết bị thì đã cũ. Trong khi đó, học ở tiệm anh chỉ mất vài ngày để phân biệt các đồ nghề rồi được hướng dẫn thực hành trực tiếp trên xe khách, có nhiều loại xe đời mới, cấu tạo lạ anh cũng được tiếp cận. Chính nhờ được làm việc thực tế nên tay nghề của anh Tuấn ngày càng giỏi và chỉ sau một thời gian chủ tiệm đã cho anh tự sửa xe cho khách.

Nhiều người có nhu cầu học nghề nhưng lại ngại vào học tại các trung tâm dạy nghề bởi thấy phương tiện thực hành lạc hậu, thời gian học lại gò bó. Để học các ngành nghề như sửa xe máy, điện tử, điện thoại di động, học trang điểm, làm móng, uốn tóc…, các học viên thích chọn học tại các tiệm bên ngoài hơn, bởi ngoài việc được thực hành nhiều trên các phương tiện máy móc mới, nhiều nơi học viên còn được cho ở lại tiệm và đôi khi có thêm cơ hội được trả lương nếu tay nghề tiến bộ nhanh. Anh Trần Khôi Minh, chủ tiệm sửa xe trên đường Hoàng Diệu (quận 4), cho biết khi anh tuyển thợ có chứng nhận học nghề tại trung tâm dạy nghề thì đến tiệm anh vẫn phải đào tạo lại, bởi họ rất lúng túng khi làm việc. Có nhiều loại xe đời mới họ không biết phải tháo ráp thế nào.

Trong các buổi khảo sát về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm của Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, nhiều thành viên trong đoàn đã đưa ra ý kiến lo ngại về một số ngành nghề đào tạo tại các trung tâm dạy nghề hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình phát triển và cần được thay thế. Bên cạnh đó, nếu vẫn cứ đào tạo nghề trên các thiết bị máy móc cũ, lạc hậu thì sau khi ra nghề, học viên sẽ rất khó xin được việc làm. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (thành viên đoàn giám sát), cho rằng: “Để thu hút học viên và giúp chất lượng đào tạo nghề có chất lượng hơn, các trung tâm dạy nghề tại các quận, huyện cần có sự đầu tư nâng cao trình độ giáo viên và cơ sở vật chất. Có như vậy mới giúp học viên an tâm về chất lượng đào tạo”.

Theo thạc sĩ Lê Văn Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội TPHCM, các trung tâm dạy nghề cần có sự chuyển đổi để tồn tại. Nơi đây không cần dạy những ngành nghề cầu kỳ, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, mà nên dạy những ngành nghề thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Để thu hút học viên, các trung tâm dạy nghề cần có sự quan sát thị trường, đầu tư cho đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phù hợp.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục