Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Không “thổi phồng” bão số 3

Chiều 4-8, tại Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã tổ chức cuộc họp “nóng” để giải trình về thông tin cho rằng các chuyên gia về khí tượng của Việt Nam đã dự báo sai và thổi phồng cơn bão số 3 vừa qua.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho rằng trung tâm không dự báo sai, cũng không thổi phồng cường độ của bão. Ông Tăng khẳng định, dự báo về bão số 3 của Việt Nam đã chính xác hơn so với các đài khí tượng của thế giới và trong khu vực.

Trong khi dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nhật Bản cho rằng, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Ninh Bình - Nam Định tới bắc tỉnh Thanh Hóa vào 23 giờ đêm 30-7, thì trên thực tế, lúc đó tâm bão đã ở biên giới Việt - Lào rồi.

“Lúc đó, chúng tôi đã phát tin cuối cùng về cơn bão” - ông Tăng nói. Vẫn theo ông Tăng, dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ lại liên tục thay đổi đường đi của bão. Sáng 29-7, Mỹ dự báo bão còn ở đảo Hải Nam, ngày 31-7 mới đổ bộ vào Việt Nam, ở vị trí khoảng vĩ tuyến 18, tức giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tới đêm 29-7, Mỹ lại xác định tâm bão đổ bộ vào Nam Định. Như vậy, chỉ trong một ngày, Mỹ đã “nhảy” dự báo từ tận Đèo Ngang ra Nam Định.

“Tới trưa 30-7, khi bão đã sát bờ biển nước ta, Mỹ mới chỉnh lại dự báo, khẳng định bão sẽ đổ bộ vào huyện Quỳnh Lưu và TP Vinh - Nghệ An” - ông Tăng bày tỏ.

Riêng với thông tin cho rằng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thổi phồng quá mức, vì khi bão vào đất liền chỉ khoảng cấp 5, cấp 6, ông Tăng vẫn khẳng định bão vào đất liền vẫn còn cấp 8. Ông Tăng cho rằng, người dân nói bão chỉ cấp 5 - 6 (tương đương vùng áp thấp) hoàn toàn chỉ là do cảm nhận. Với dự báo khi bão vào, sẽ gây mưa đạt trên 100mm, riêng các tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa có nơi 200 - 250mm, nhưng người dân miền Trung lại cho rằng mưa chỉ 10 - 30mm.

Ông Tăng bác lại: “Nếu chỉ mưa 10 - 30mm thì tại sao lại gây ngập ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, gây ngập hàng ngàn hécta lúa và hoa màu, thủy sản. Nhiều cột điện lại bị đổ, vì tiêu chí đổ cột điện là phải có gió cấp 9, cấp 10”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa đồng tình khi cho rằng, khi còn ở ngoài khơi xa, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã khẳng định bão đạt sức gió tới cấp 12, nghĩa là rất mạnh, nhưng rồi bão lại rất nhẹ. Ông Tăng giải thích, khi còn ở Thái Bình dương, bão đạt cấp 8 - 9 và đi qua đảo Luzon (Philippines) là cấp 10. Bão vào biển Đông thì yếu đi một chút nhưng lại mạnh lên khi tới gần đảo Hải Nam. Khi cách bờ vịnh Bắc Bộ 70 - 80km mới suy yếu xuống cấp 9, cấp 8.

Ông Tăng cho rằng, sở dĩ các tỉnh ở Bắc miền Trung đã sơ tán 4.000 người, là do hầu hết các địa phương ven biển đều đang thi công đê biển, có rất nhiều khoảng đê thi công dang dở. Lo bão làm nước biển tràn vào nguy hiểm nên các địa phương đã cẩn thận sơ tán nhiều dân hơn so với mức độ cần thiết.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục