Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Nhiều bí mật đang ẩn sâu trong lòng đất

Ngày 23-11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (UBND TP Hà Nội) và Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long”.

Ngày 23-11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (UBND TP Hà Nội) và Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long”.

 Gần 40 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Australia, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc… một lần nữa khẳng định giá trị vô giá cũng như những thách thức mà di sản phải đối mặt để tiếp tục phát huy giá trị.

Đề xuất khai quật mở rộng Hoàng thành

Tháng 12-2002, lần đầu tiên một cuộc khai quật khảo cổ học với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã được thực hiện trên khu đất 48.000m2 dự kiến xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới. Trong diện tích 17.000m² đã xuất lộ đầy đủ các tầng văn hóa, các dấu tích kiến trúc cung đình cùng nhiều vật liệu kiến trúc có niên đại từ thời Đại La đến Nguyễn. Liên tục trong các cuộc khai quật từ năm 2011 đến 2015 với các hố đào (tổng diện tích 2.500m²) được mở xung quanh nền Chính điện Kính Thiên, di tích Đoan Môn - cổng chính Cấm thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu bước đầu đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về quy mô cũng như hình thái kiến trúc của kinh đô Thăng Long xưa. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa: những giá trị đó mới chỉ là những đánh giá bước đầu rút ra chủ yếu từ địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Bởi vậy, UNESCO khuyến nghị cần phải tăng cường nghiên cứu khảo cổ học tại khu di sản, đặc biệt là khu vực chính điện Kính Thiên. 

GS William Logan (Trường Đại học Deakin, Australia) cho rằng: “Giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long sẽ bị ảnh hưởng nếu những bằng chứng vật thể minh chứng cho 3 tiêu chí trên bị phá hủy và vĩnh viễn mất đi. Giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long, với tư cách là một di sản thế giới phải được phát huy, bảo tồn như đã từng khẳng định khi di sản đề cử được công nhận. Đồng quan điểm này, GS Nobuo Kamei, Viện Nghiên cứu văn hóa quốc gia Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Một điều chắc chắn, đó là dưới lòng đất ở khu vực bên ngoài khu vực bảo vệ vẫn còn rất nhiều kiến trúc cổ chưa được khai quật, cũng như ngay ở trong khu vực nghiên cứu hiện nay”.

Cần một chiến lược bài bản

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, bên cạnh việc quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, nhiều công việc khác như kế hoạch quản lý, kế hoạch hành động, giám sát lượng du lịch… cũng đã được xây dựng. Tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trên phạm vi các hố khảo cổ bảo tồn nguyên trạng, công tác bảo tồn được tiến hành thường xuyên với việc chống rêu mốc, tiêu thoát nước và các tác nhân gây hại đến di tích. Thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu bảo tồn cấp thiết khai quật khảo cổ học “dòng sông cổ” để phục vụ khách tham quan…

Tuy nhiên, GS Nobuo Kamei cũng lưu ý: “Chiến lược khai thác và giới thiệu di sản trong tương lai, kế hoạch quản lý hiện nay chỉ bao gồm một khu vực hiện thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trong khi một chiến lược khai thác tổng thể khu di tích, bao gồm cả những khu chưa được chuyển giao cũng chưa được thể hiện. Cần phải luôn nỗ lực để cải thiện, khắc phục sự thiếu vắng hiện nay các quan điểm đặt vị trí của khu di sản như thế nào trong vị trí phát triển của khu vực”. Quan điểm này cũng được kiến trúc sư Michel Verot, chuyên gia bảo tồn các công trình lịch sử Pháp, đồng tình. Kiến trúc sư Michel Verot cho rằng: Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cần làm rõ khu vực được bảo vệ, xác định chức năng đô thị và định hướng phát huy, đồng thời phải liệt kê các khuyến nghị cho những khu vực đô thị và kiến trúc có giá trị.

Tròn 5 năm sau ngày ghi tên mình vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh đô thị hiện đại đang phát triển… Các nhà quản lý kỳ vọng rằng, hội thảo sẽ là một bước ngoặt để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động cho những năm tiếp theo.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục