Trung tâm nghiên cứu hạnh phúc

Sắp tới, Đại học Harvard sẽ mở trung tâm Nghiên cứu hạnh phúc mang tên Lee Kum Sheung với mục đích tìm hiểu các hình thái của hạnh phúc. Trung tâm Lee Kum Sheung được thành lập dựa trên số tiền 21 triệu USD do gia đình Lee Kum Kee ở Hồng Công, Trung Quốc tài trợ. Họ quyết định đặt tên trung tâm theo tên của Lee Kum Sheung - người sáng lập tập đoàn Lee Kum Kee. Tại đây, các nhà tâm lý học, nhân loại học sẽ hợp tác với các nhà nghiên cứu sinh học và bác sĩ để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của những mối quan hệ cá nhân cùng liên kết cộng đồng đối với sức khỏe tinh thần.

Đồng giám đốc Laura Kubzansky cho biết, họ sẽ không chỉ phụ thuộc vào những khái niệm, nhận thức cơ bản về hạnh phúc. Lý giải nguyên nhân thành lập trung tâm nghiên cứu hạnh phúc, bà Kubzansky cho rằng: “Trước khi thử áp dụng khái niệm hạnh phúc vào vấn đề chính trị, giáo dục hay đầu tư xã hội, phải tìm ra những yếu tố mang lại hạnh phúc”.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu về hạnh phúc và tập trung vào các điều kiện mang lại hạnh phúc cả bên trong lẫn bên ngoài. Các nghiên cứu thực nghiệm tiến hành trên 1.600 sinh viên của đại học Harvard đã chỉ ra sự hỗ trợ xã hội, sức mạnh của các mối quan hệ giữa người với người là yếu tố dự báo hạnh phúc chính xác hơn bất kỳ yếu tố nào khác như điểm số, thu nhập gia đình, giới tính, tuổi tác hay chủng tộc. Con số tương quan giữa hạnh phúc và sự hỗ trợ từ xã hội là 0,7. Con số này cho biết, có sự hỗ trợ xã hội càng nhiều, bạn càng hạnh phúc hơn. Một cuộc điều tra khác đối với hơn 500 tình nguyện viên với yêu cầu thực hiện những sở trường của mình mỗi ngày suốt một tuần khiến tất cả các tình nguyện viên đều cảm thấy hạnh phúc hơn đáng kể và cảm giác này kéo tồn tại một thời gian khá dài sau đó.

Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, những người thường “nhận” từ người khác sẽ hạnh phúc, trong khi những người “cho” đi lại có xu hướng sở hữu “cuộc sống có ý nghĩa”. Cả hai thứ đều quan trọng đối với con người và chúng ta cần cân bằng chúng. Ai cũng biết làm tình nguyện, giúp đỡ những người xung quanh sẽ khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng không phải ai cũng biết “liều lượng” làm các công việc thiện nguyện như thế nào để hạnh phúc nhất. Con số được các nhà khoa học đưa ra là 100 giờ/năm, tương đương 2 giờ/tuần. Giúp đỡ người khác quá nhiều sẽ gây phản tác dụng, khiến con người trở nên lo lắng và căng thẳng hơn, trong khi nếu không làm hoặc làm quá ít sẽ khiến ta rơi vào trạng thái ích kỷ, cô đơn…

Vì thế, trung tâm hạnh phúc sẽ tìm hiểu liệu môi trường xã hội tích cực, bao gồm mối quan hệ bạn bè, gia đình, công việc, hoạt động giải trí, có ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc hay không và ảnh hưởng như thế nào? Ngoài ra, họ cũng hy vọng hiểu rõ hơn về tác động của các yếu tố xã hội tiêu cực như đói nghèo, thất nghiệp, công việc không hài lòng đến tuổi thọ của con người. Như vậy, thay vì chỉ chú trọng đến yếu tố y tế, chăm sóc sức khỏe như các nghiên cứu trước đây, trung tâm Lee Kum Sheung đặt mục tiêu phát hiện các yếu tố liên quan đến hạnh phúc khác như hành vi cá nhân, chăm sóc y tế, chính sách y tế và chính sách cộng đồng trên diện rộng. Trung tâm sẽ hợp tác với giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên Harvard các môn tâm lý học, dinh dưỡng học, sinh lý học, sinh học cơ bản, y học, dịch tễ học và khoa học dân cư.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục