Trước giờ “bấm nút” dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Chưa thể “thở phào”

Trước giờ “bấm nút” dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Chưa thể “thở phào”

Sau khi có kết quả tổng hợp phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp QH.

- PV: Thưa Bộ trưởng, ông có ngạc nhiên về kết quả tổng hợp phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH?

Trước giờ “bấm nút” dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Chưa thể “thở phào” ảnh 1

- Bộ trưởng HỒ NGHĨA DŨNG: Tôi không ngạc nhiên. Tôi tin tưởng rằng khi có dữ liệu và thuyết minh rõ ràng, QH sẽ đưa ra quyết định sáng suốt về dự án. Ví dụ như về vốn, con số 56 tỷ USD mới đầu nghe hơi “dội”, nhưng phân kỳ đầu tư làm trong mươi mười lăm năm chứ không phải cần ngay lập tức. QH quyết chủ trương từ bây giờ là cơ sở rất tốt để cơ quan chức năng tiếp tục chuẩn bị báo cáo khả thi dự án. Tuy nhiên kết luận cuối cùng thế nào còn phải chờ QH “bấm nút” chính thức. Cho nên chưa thể “thở phào nhẹ nhõm” được!

- Nhưng số ý kiến không tán thành phương án đề xuất của Chính phủ không phải ít?

- Đây là dự án rất lớn, sẽ có nhiều rủi ro, khó khăn; phải phân tích kỹ, dự báo sát tiềm lực kinh tế của đất nước trong một thời gian dài. Đắn đo của ĐBQH và dư luận hoàn toàn chính đáng. Dù là cơ quan xây dựng dự án, chúng tôi không thể nói đây là công việc dễ dàng. Cho nên nếu QH cho phép thì phải nghiên cứu tiếp rất thận trọng, tính hết mọi yếu tố, lường trước nhiều khả năng.

- Vậy nếu được QH cho phép làm báo cáo khả thi, Chính phủ dự kiến ưu tiên xây dựng đoạn tuyến nào trước?

- Đoạn Nha Trang - TPHCM làm trước, trong đó ưu tiên số 1 là TPHCM – Phan Thiết.

- Theo ông, thời điểm nào thích hợp khởi công dự án?

- Chúng tôi đang tính, cái này trong báo cáo khả thi sẽ cụ thể, nhưng tinh thần có lẽ là đến năm 2025 đưa vào sử dụng đoạn tuyến đầu tiên.

- Có ý kiến lo ngại rằng do lệ thuộc vào nguồn vốn vay cũng như công nghệ của đối tác mà ta có thể bị ép giá, phải mua đắt và như thế vay vốn ODA tưởng rẻ hóa đắt?

- Tôi không có thông tin nào cho thấy giá làm dự án ODA đắt hơn. Vì các dự án ODA đều phải đấu thầu quốc tế. Có một số khoản vay thì đấu thầu giữa các doanh nghiệp của nước cho vay, còn ODA song phương phải đấu thầu quốc tế. Dự án này rất lớn, bao gồm nhiều dự án thành phần, một quốc gia không thể làm hết được, cũng không nhà thầu nào làm hết một mình được.

- Có một thực tế là tình trạng thiếu điện hiện nay rất trầm trọng, trong khi nếu làm đường sắt cao tốc thì mức tiêu thụ điện năng sẽ rất lớn, làm thế nào giải quyết mâu thuẫn này?

- Phát triển đất nước theo hướng CNH dứt khoát mức tiêu thụ năng lượng phải tăng. Cho nên mới có chiến lược phát triển nguồn điện, với những nhà máy thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, rồi điện hạt nhân, chính là để đón trước nhu cầu. Lưu ý thêm là dự án tiêu thụ ít nhiên liệu, trong khi rủi ro tăng giá nhiên liệu rất cao.


Anh Thư ghi

Tin cùng chuyên mục