Luật Khiếu nại có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012 đã bổ sung một số quy định mới về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cho phù hợp với thực tiễn theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại.
Theo quy định của Luật Khiếu nại, việc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án vẫn có thể thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại. Theo quy định trước đây, việc khởi kiện hành chính tại tòa án chỉ có thể được thực hiện sau khi đã qua bước giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước, nay theo Luật Khiếu nại, người khiếu nại có thể lựa chọn và khởi kiện thẳng ra tòa án (khâu đã qua giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước không còn là thủ tục bắt buộc). Quy định này phù hợp với tinh thần của Luật Tố tụng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền khiếu kiện của mình.
Luật Khiếu nại không giới hạn hoặc phân loại các quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể đưa ra khởi kiện tại tòa hành chính nhưng Luật Khiếu nại cũng đưa ra nguyên tắc người khiếu nại muốn khởi kiện tại tòa án thì phải tuân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Điều 28 của Luật Tố tụng hành chính đã quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là “khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.
Luật sư NGUYỄN HOÀI THANH