“Trưởng lão” đi học

Chơi với tây để học ngoại ngữ

Ngày khai giảng năm học 2006-2007 của Đại học TDTT 2 (Thủ Đức, TPHCM), khóa 29 (2006-2010) hệ chính quy toàn những tân sinh viên trẻ măng, non choẹt, bỗng nổi bật một anh chàng cao to, già dặn hơn đám nhỏ ấy cả chục tuổi. Họ thắc mắc: “Lão” ấy là ai vậy, già thế mà còn học chính qui à?

Câu hỏi ấy vô tình lọt vào tai một giảng viên trẻ đi ngang, ông thầy bèn phán: “Anh ấy là ai mà không biết à? Một ngôi sao của làng bơi lội Việt Nam đấy”. Câu trả lời mà như không ấy, càng khiến đám sinh viên đoán già, đoán non...…

Đậu thủ khoa, rồi xếp bút nghiên... để đó

“Trưởng lão” đi học ảnh 1

Kình ngư Trương Ngọc Tuấn ngày còn tung hoành trên đường đua xanh...Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Anh chàng sinh viên “già khú” ấy là Trương Ngọc Tuấn, một cái tên không hề xa lạ trong làng thể thao, đặc biệt là làng bơi Việt Nam. Nổi danh trên đường đua xanh từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng đến Đại hội TDTT toàn quốc lần 5-2006, người ta vẫn còn thấy Ngọc Tuấn hụp lặn dưới đường bơi xanh để tranh đoạt thành tích cho đơn vị Quân đội, dù các bạn đồng môn ngày nào từng so kè cùng anh lúc sung mãn nhất của đời VĐV giờ đều đã khoác áo huấn luyện. Chính vì thế mà Tuấn được liệt vào hàng “trưởng lão” của làng bơi Việt Nam. Sau Đại hội TDTT toàn quốc 2006, Trương Ngọc Tuấn chính thức giã từ thi đấu để bước vào giảng đường đại học ở cái tuổi tròn... 30.

Tuy nhiên, ít người biết trước đó gần 10 năm, khóa tuyển sinh năm 1997 của Đại học TDTT 2, Trương Ngọc Tuấn cùng đồng đội Trần Duy Mỹ là 2 thí sinh đậu thủ khoa với 32 điểm (thời gian ấy, các VĐV và kiện tướng thể thao vẫn phải thi tuyển vào đại học như bình thường chứ không có chế độ tuyển thẳng như bây giờ). Thế nhưng do điều kiện phải tập huấn và thi đấu liên tục, Ngọc Tuấn đành xếp bút nghiên để chu toàn sự nghiệp VĐV của mình. Những năm sau, khi các đồng đội cùng thời như Duy Mỹ, Trọng Nghĩa... đều nghỉ thi đấu để đi học, Ngọc Tuấn vẫn miệt mài trên đường đua xanh và sự tưởng tưởng thưởng xứng đáng cho anh là chiếc HCB SEA Games 22-2003 ở 200m ngửa. Cứ ngỡ sau thành tích xuất sắc ấy, Tuấn sẽ được đơn vị chủ quản cho “dưỡng già” để đi học, nhưng đội bơi Quân đội vẫn còn cần anh để làm đầu tàu cho lứa VĐV trẻ chưa đủ độ chín. Thế là Tuấn lại tiếp tục miệt mài...

Đây là “thằng” thầy của em!

Cuối năm 2006, gặp Ngọc Tuấn ở một buổi tiệc sinh nhật, anh kéo một bạn trẻ trông rất quen mặt ra giới thiệu với tôi đầy hồ hởi: “Anh, đây là “thằng” thầy của em!”. Lời giới thiệu đầy “mạo phạm” ấy khiến những người có mặt phải phì cười, còn tôi thì cứ mắt tròn, mắt dẹt vì kinh ngạc.

Tuân, người mà Tuấn gọi là “thằng thầy” ấy cười toe toét: “Anh không nhớ em à, em là Tuân, VĐV bơi của Hải quân ngày xưa đây mà”. Thì ra là thế, lúc trước ở đơn vị Hải quân, lúc Trương Ngọc Tuấn đã nổi tiếng trong làng bơi thì Tuân chỉ mới vào năng khiếu và là lứa đàn em của Ngọc Tuấn. Tuân kể tiếp: “Sau đó, em nghỉ thi đấu và học tại ĐH TDTT 2 rồi ra trường, ở đây giữ lại làm giảng viên. Giờ anh Tuấn lên học và trở thành học trò của em. Nên anh gọi em là “thằng” thầy cũng là thế. Mà không phải chỉ em đâu, còn nhiều giảng viên trẻ ở trường là lứa đàn em, hoặc nhỏ tuổi hơn anh ấy nhiều”. Tuy nhiên, chuyện gọi đùa như thế chỉ diễn ra sau giảng đường lúc trà dư tửu hậu, chứ vào lớp thì “vai vế” thầy trò vẫn đâu ra đấy đàng hoàng.

Thỉnh thoảng lúc gặp nhau, Ngọc Tuấn cứ phì cười khi kể lại những mối quan hệ tréo ngoe thầy-trò giữa anh và các đàn em như thế, thậm chí có đứa gọi anh tới bằng chú, giờ vào lớp chẳng biết xưng hô ra sao cho không... trái đạo. Ngay cả đám bạn sinh viên học cùng cũng thế, giờ thì quen rồi, chứ lúc trước ngồi học “cũng thấy hơi mắc cỡ vì mình già quá so với đám trẻ” như lời thổ lộ của anh. Còn đám nhỏ ấy, khi biết Ngọc Tuấn đang là đại úy quân đội và là Đảng viên thì “dí” ngay cho anh cái chức lớp trưởng, nhưng Tuấn từ chối vì biết mình khó đảm đương bởi còn rất nhiều việc...

Nếu chỉ có học mà... không thi thì tuyệt biết mấy !

“Trưởng lão” đi học ảnh 2

... Và giờ đây là sinh viên Trương Ngọc Tuấn (giữa) đang miệt mài bên sách vở với các bạn cùng khóa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thi cử hay những bài kiểm tra thường là “nỗi ám ảnh” của các sinh viên, với các sinh viên kiêm VĐV thì điều này còn... kinh khủng hơn nữa. Riêng Ngọc Tuấn lại có nỗi niềm khác: “Lớn tuổi nên chữ nghĩa nó chứ chạy lung tung đâu đấy anh ạ, học bài rất khó nhớ dù mình cũng cố gắng tập trung ghê lắm. Lúc trước, bơi tập khổ bao nhiêu cũng chơi được, mà sao học lại đau đầu thế không biết”.

Có lần, Tuấn chạy sang nhờ cậy chúng tôi kiếm giúp dùm anh những tài liệu để làm bài thi môn triết học, mà cái đề tài được đưa ra khá “xương” khiến anh chàng cứ vò đầu bứt tóc than thở rồi lại chuyển sang mơ ước: “Giá chỉ có học chứ không phải thi cử thì tuyệt biết mấy anh nhỉ!” khiến tôi phải phì cười. Chưa hết, cách đây vài tháng, khi gặp nhau, nhìn chàng sinh viên “lớn tuổi” này đi cà nhắc, hỏi ra thì được biết: “Mấy bữa nay em học môn thể dục dụng cụ, cũng là dân thể thao bao lâu nay mà “chơi” cái trò này sao kinh thế không biết. Đến tuổi này, xương cốt đã cứng ngắc cứng ngơ mà phải thực hành với mấy cái trò đu và quay xà làm tay chân cứ gọi là bầm dập. Mà không chỉ em, đám nhỏ học cùng cũng tơi tả y như thế. Cũng may là môn này không nhiều tín chỉ, chứ không thì chắc không qua nổi... con trăng này quá”.

Than thở thế thôi, chứ nhiều bạn bè đồng nghiệp khi thấy Ngọc Tuấn lớn tuổi đã khuyên nên học hệ tại chức cho đỡ cực, anh đã từ chối thẳng thừng bởi: “Học chính qui thì nền tảng kiến thức vẫn luôn vững chắc hơn nhiều. Vả lại, tập luyện và thi đấu gian khổ bao nhiêu năm mà còn làm được, không lẽ 4 năm đại học lại không học được hay sao!”.

Và như thế, “trưởng lão” của làng bơi vẫn cứ ngày ngày chạy mấy chục cây số đến với giảng đường đại học để mơ về một tương lai tốt đẹp hơn sau đời VĐV...

TUẤN THÀNH 

“Trưởng lão” đi học ảnh 3
Nguyễn Đình Minh (giữa), khi còn thống trị đường chạy tốc độ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Càng “sao”, càng lao đao chuyện học

Việc dung hòa giữa học văn hóa và tập luyện của các VĐV đỉnh cao hiện đang là vấn đề đau đầu của ngành thể thao. Bởi là một ngôi sao thể thao thì việc tập huấn nước ngoài và thi đấu liên miên nên không thể nào chu toàn cho việc học văn hóa được. Vì thế mà kỳ thi tốt nghiệp PTTH niên học 2006-2007 vừa qua, một loạt cái tên lừng lẫy trong làng thể thao như: Trương Thanh Hằng (điền kinh), Đỗ Thị Ngân Thương, Nguyễn Thùy Dương (TDDC)... đều thi rớt. Một chuyên gia trong làng bơi lội TPHCM tiết lộ, trong 7 VĐV bơi của thành phố thi tốt nghiệp PTTH thì hết 6 em... rớt.

Chính vì những chuyện trên mà ngành thể thao và ngành giáo dục đang dự tính liên kết để có chế độ học văn hóa “chuyên biệt” cho các VĐV, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được điểm chung.

T.Th

Tin cùng chuyên mục