Trường lớp thiếu, trường học bỏ hoang

Những năm qua, TPHCM luôn đặc biệt quan tâm tới công tác xây trường, mở lớp, cơ bản đáp ứng chỗ học cho con em người dân. Thế nhưng, thực tế vẫn còn những khu đất công được quy hoạch xây trường tiếp tục “đắp chiếu”, hay có công trình trường học được xây dựng khang trang, đạt chuẩn nhưng... bỏ hoang.

Trường xây tiền tỷ… bỏ hoang

Trường THCS Lương Định Của tọa lạc tại địa chỉ 311J5 (đường số 1 + đường G) thuộc khu nhà ở tái định cư Thủ Thiêm, phường An Phú, quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức), được xây dựng khang trang, đạt chuẩn có quy mô 1 trệt 2 lầu với 30 phòng học, đầy đủ phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng…

Công trình có mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm học 2007-2008, đáp ứng chỗ học cho khoảng 1.000 học sinh. Tuy nhiên, đến đầu năm học 2011 -2012, Trường THCS Lương Định Của được di dời về địa điểm mới thuộc khu dân cư 174ha phường Thạnh Mỹ Lợi. Từ mốc thời gian này, Trường THCS Lương Định Của cũ bị “chia năm xẻ bảy”.

Cụ thể, khu nhà thi đấu đa năng và 1 dãy phòng học được bàn giao cho UBND phường Thủ Thiêm làm trụ sở tạm; khối nhà chữ U được chia tách làm hai (một nửa giao cho Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 2 cũ làm trụ sở; một nửa giao cho Trường Mầm non 19-5 sử dụng tạm do trường mầm non này đang xây dựng mới). Sau khi Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 2 được giải thể theo chủ trương và Trường Mầm non 19-5 chuyển về cơ sở mới, Trường THCS Lương Định Của cũ bị bỏ hoang đến nay.

Đưa phóng viên đi khảo sát một vòng bên trong khuôn viên Trường THCS Lương Định Của cũ, ông Nguyễn Xuân Đăng, Trưởng khu phố 1, phường An Phú, than thở: “Hiện khu phố 1 có gần 10.000 nhân khẩu và hàng trăm trẻ vào đầu cấp/năm học. Trường sạch đẹp, ngay cạnh nhà thì bỏ hoang cho cỏ dại mọc, còn con trẻ phải vất vả đi học ở phường bạn. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng không thấy TP Thủ Đức có động thái gì”.

Chị N.T.V. (43 tuổi, có 2 con, bé lớn học lớp 6 Trường THCS Lương Định Của phường Thạch Mỹ Lợi; bé nhỏ học lớp 1 Trường Tiểu học An Phú) cho biết, phụ huynh rất mệt mỏi khi phải đưa rước con đi học vì muốn tới 2 trường này, phải vượt qua nút giao An Phú (Lương Định Của - Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định) đang được thi công, chạy tiếp 2km mới tới trường tiểu học; sau đó chạy gần 5km theo đường Nguyễn Thị Định rẽ vào đường Đồng Văn Cống để tới trường THCS.

o4d-4089.jpg
Trường THCS Lương Định Của, phường An Phú, TP Thủ Đức bỏ hoang từ năm 2020 đến nay

Đem bức xúc của người dân trao đổi với đại diện phường An Phú, lãnh đạo địa phương cho biết, phường hiện có 3 trường tiểu học và 2 trường THCS. Mỗi năm tăng từ 150-200 học sinh đầu cấp dẫn đến việc quá tải trường lớp.

“Từ khi Trường Mầm non 19-5 chuyển về cơ sở mới năm 2020, đến tháng 8-2023, phường mới nhận được thông báo số 4448/UBND-TCKH của UBND TP Thủ Đức về việc giao trụ sở Trường THCS Lương Định Của cũ cho phường quản lý. Ngay khi tiếp nhận, địa phương đã có kiến nghị với TP Thủ Đức cho cải tạo, sửa chữa trường thành trường tiểu học; đồng thời khảo sát một khu đất sạch trên địa bàn phường để xây thêm một trường THCS”, đại diện phường An Phú cho hay.

Mong sớm xây thêm trường, mở thêm lớp

Thực hiện Đề án 4.500 phòng học của TPHCM chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên địa bàn quận Bình Tân có 19 dự án trường học mới cần sớm xây dựng nhằm tăng thêm 592 phòng học. Qua rà soát, trên địa bàn quận có nhiều khu đất công đang có mặt bằng trống, sử dụng không hiệu quả như khu đất tại số 574; khu đất tại số 558; khu đất tại số 529 cùng trên đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc.

Đa phần các vị trí này đều giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng hiện đang bỏ hoang. “Quận Bình Tân đã kiến nghị UBND TPHCM giao về cho quận để làm công trình xây trường học, công viên”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết.

Tương tự, qua rà soát, quận 12 tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM bố trí kinh phí để thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giáo dục, y tế, công viên… UBND quận 12 kiến nghị thành phố hỗ trợ quận sớm thu hồi 14 khu đất để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có công trình trường học nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho con em người dân; nâng cao tỷ lệ học sinh được học bán trú của bậc tiểu học và THCS đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

“Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM vừa qua, đích thân tôi đã nêu thực trạng về khu đất trung tâm sâm và dược liệu có diện tích gần 11.000m² nằm trên địa bàn bỏ hoang gần 20 năm qua. Quận muốn được giao khu đất này để xây dựng, mở rộng Trường Tiểu học Nguyễn Ảnh Thủ nhưng hiện nay vẫn phải chờ”, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, chia sẻ.

Thực tế ghi nhận, có nhiều khu đất công đang bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích không chỉ ở quận Bình Tân, quận 12, mà còn ở quận Gò Vấp, Bình Thạnh và nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố; trong khi trường lớp thiếu, học sinh phải học trong những ngôi trường chật hẹp, không đạt chuẩn!

Tin cùng chuyên mục