Những dự án kéo dài, quy hoạch chậm thực hiện chẳng khác nào chiếc vòng kim cô xiết quyền lợi của người dân. Ở đó, những khu đất bị “treo” lơ lửng hết năm này qua năm nọ nhưng chẳng được ai sử dụng một cách hiệu quả. Thế nhưng…
Thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TPHCM (về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị), UBND TP đã không gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm và thu hồi quyết định giao đất đối với 571 dự án chậm triển khai. Người dân ở những khu vực được tháo “treo” đang sắp xếp để dần ổn định cuộc sống.
Khu “ổ chuột” lột xác
Khu vực phường 22, Bình Thạnh, dọc theo trục đường Nguyễn Hữu Cảnh từng là một khu quy hoạch “treo” đình đám của thành phố. Thời điểm ấy, ngay đằng sau hai tòa nhà The Manor sang trọng là một hình ảnh vô cùng tương phản của những khu nhà “ổ chuột” nhếch nhác. Khu vực này nằm trong quy hoạch Khu đô thị Văn Thánh nên người dân không được xây dựng nhà cửa, sửa chữa cũng khó khăn với những điều kiện hết sức khắt khe cộng với cam kết không đòi bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Người dân muốn chuyển đi nơi khác cũng không xong vì nhà nằm trong quy hoạch bán chẳng ai mua hoặc bị trả giá cực thấp. Bên cạnh đó, sổ hồng còn bị ghi chú nằm trong quy hoạch nên cũng không thể san nhượng hay cầm cố ngân hàng để vay vốn làm ăn. Gần 20 năm nằm trong dự án “treo”, cuộc sống người dân khổ sở vô cùng. Do đó, không chỉ kiến nghị lên phường, quận mà khi có bất cứ cơ hội nào tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, người dân cũng đều trình bày mong muốn xóa quy hoạch!”.
Một tuyến hẻm ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (TPHCM) chưa được nâng cấp do vướng dự án “treo”
Sau khi được thành phố chấp nhận điều chỉnh quy hoạch, xóa dự án để người dân tự chỉnh trang, khu vực này đã lột xác không ngừng. Ông Bùi Văn Minh, ngụ khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh cho biết, việc đầu tiên gia đình ông làm là đi đổi sổ hồng mới để không còn dòng chữ “quy hoạch” ám ảnh bao nhiêu năm. Sau đó, vay mượn tiền để sửa chữa căn nhà khang trang hơn để đón đứa con đầu lòng. “Thật may vì cháu ra đời không còn chịu cảnh “treo” như cha mẹ nó!”, ông Minh nói. Tuy nhiên, những người dân cố cựu như ông Minh không còn nhiều. “Vòng kim cô” quy hoạch được xóa, đất lên giá không ngừng, đa phần người dân ở đây đã bán nhà lấy số vốn kha khá để tìm nơi mới ổn định cuộc sống. Người mới đến xây dựng khá nhiều, những căn nhà “ổ chuột” đang dần bị xóa bởi những ngôi nhà 3 - 4 tầng khang trang hơn. Người dân cũng tự nguyện hiến đất và đóng góp kinh phí để mở rộng, nâng cấp những đường hẻm để tự chỉnh trang điều kiện sống của mình.
Trở lại vùng “treo” qua 4 thập kỷ
Tháng 12-2015, UBND TPHCM ra quyết định chấm dứt hiệu lực, thu hồi giấy phép sử dụng đất đã cấp cho Sư đoàn phòng không 367 tại ấp 4, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Đồng thời, giao UBND huyện Nhà Bè xem xét, giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân cũng như khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp khác cho người dân. Quyết định này đã làm cho hàng trăm hộ dân vui mừng khôn xiết. Bởi lẽ, họ đã bị “treo” quyền lợi gần 4 thập kỷ, từ năm 1979. Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ ấp 6, vùng này đất vườn bao la nhưng nhiều gia đình ba bốn thế hệ vẫn phải sống chen chúc trong căn nhà vài chục mét vuông vì cắt đất chia cho con cháu không được, mà có chia cũng chẳng được xây. Khổ nhất là không kéo được điện nước vào nhà, phải câu điện nhờ, mua nước qua trung gian, giá nước lên đến 30.000 đồng/m3. Đường sá sình lầy, ngập ngụa quanh năm.
Ông Hà Kim Sơn, Phó bí thư Chi bộ ấp 4, cho biết khu vực này giờ đang “thay da đổi thịt”: 100% hộ dân đã được kéo điện vào tận nhà và sử dụng nước cấp của thành phố. “Nhiều hộ dân lúc trước phải sống trong những căn hộ xập xệ thì nay đã được sửa chữa đàng hoàng. Thậm chí, một số hộ khó khăn còn được xã hỗ trợ chi phí sửa chữa. Theo thông tin tôi được biết thì nhiều hộ khá hơn đang làm thủ tục cấp phép xây dựng. Huyện cũng đang tiến hành nâng cấp một số tuyến hẻm chống ngập, công tác hạch toán đã xong và chuẩn bị thi công. Trước đó, trong các cuộc họp và khảo sát, người dân chúng tôi thống nhất đóng 2 triệu đồng mỗi hộ để lắp cống thoát nước. Các hẻm được nâng thêm 50-60cm, chi phí này từ ngân sách huyện. Ai cũng mong các tuyến hẻm được nâng sớm để môi trường sạch sẽ, đi lại cũng an toàn hơn!”, ông Sơn nói.
Tiếp tục loại quy hoạch không khả thi
Bên cạnh việc xóa các dự án “treo”, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành xem xét, rà soát để điều chỉnh hoặc xóa bỏ các quy hoạch không khả thi. Vừa qua, UBND TP đã đồng ý chủ trương không tiếp tục thực hiện quy hoạch khu chức năng Viện trường Y tế tại Củ Chi. Thay vào đó, giao UBND huyện Củ Chi phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc và các sở, ngành nghiên cứu, lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng phần diện tích 105ha thành nông thôn mới của xã Phước Hiệp, nhằm mục đích ổn định cuộc sống và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân sinh sống tại khu vực này.
Mới đây, dựa trên đề xuất của Sở Quy hoạch-Kiến trúc và các ngành chức năng liên quan, UBND TP đã chấp thuận điều chỉnh, không lập quy hoạch 3 KCN Xuân Thới Thượng (300ha), Phước Hiệp (200ha) và Bàu Đưng (175ha) nhưng vẫn giữ nguyên quy mô diện tích quỹ đất 7.0000ha dành cho quy hoạch phát triển KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hiện nay, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đang dự thảo văn bản để UBND TP báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phần diện tích đất công nghiệp thiếu hụt sẽ được bổ sung sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh Điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN-KCX tại TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Một đồ án quy hoạch cũng gây nhiều bức xúc cho người dân là Khu đô thị Tây Bắc nằm ở huyện Củ Chi. Dù quyết định không thay đổi ranh và quy mô nhưng để giải quyết quyền lợi cho người dân, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành điều chỉnh mục tiêu phát triển quy hoạch này theo hướng “đô thị mới bao gồm các khu phát triển mới kết hợp với các khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang”. Cụ thể, các khu vực dân cư hiện hữu giữ lại cần được quy hoạch thành khu dân cư nông thôn mới và thực hiện chương trình cải tạo chỉnh trang theo hướng “dồn điền đổi thửa”: sắp xếp, điều chỉnh ranh các lô đất, cải thiện cảnh quan, giao thông, điều kiện vệ sinh môi trường và hạ tầng kỹ thuật.
KHÁNH LÊ