Chiều 10-1, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết, đơn vị đang kiểm tra phương pháp sử dụng bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu mà các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị thực hiện có trong quy chuẩn y khoa hay không, sau đó sẽ có thông tin chính thức về phương pháp điều trị này.
Theo bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BVĐK tỉnh Quảng Trị, sáng 25-12-2018, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Bệnh viện xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu. Các bác sĩ đã truyền 3 lon bia (gần một lít) vào đường tiêu hóa ông. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm 1 lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít bia, ông Nhật dần bình phục, tỉnh táo. Hiện ông Nhật đã xuất viện.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết, chiều 23-12-2018, tại xã Triệu Độ diễn ra tiệc mừng Giáng sinh với 50 khách mời, có sử dụng bia, rượu. Sau đó, 4 người dự tiệc bị ngộ độc rượu là Nguyễn Văn Xược, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và ông Nhật. Ông Nhật và ông Tửu được cấp cứu tại BVĐK tỉnh Quảng Trị, 2 người còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28-12, ông Xược tử vong.
Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, việc truyền bia để giải độc rượu là một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện, với phác đồ được hướng dẫn cụ thể. Bởi việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ Methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý, phương pháp điều trị truyền bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu là truyền bia vào dạ dày chứ không phải tĩnh mạch. Trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị vừa cứu sống là bệnh nhân bị ngộ độc Methanol (một loại rượu công nghiệp cực độc) chứ không phải Ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm). Hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau, nên khi cho người bệnh uống Ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của Methanol có trong cơ thể.
Để điều trị ngộ độc Methanol, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu. Nếu ngộ độc Ethanol mà vẫn tiếp tục uống Ethanol thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc Methanol mà cho người bệnh uống Ethanol sẽ có tác dụng giải độc.