Truyện của Lê Văn Nghĩa - Dành cho thiếu nhi hay người lớn?

Truyện của Lê Văn Nghĩa - Dành cho thiếu nhi hay người lớn?

Sau thành công của quyển Mùa hè năm Petrus (một truyện dài viết về tuổi học trò của Trường Petrus Ký năm 1965 - đã tái bản lần thứ 4), nhà văn Lê Văn Nghĩa lại cho “xuất xưởng” một quyển sách mới. Chưa biết hay dở, nhưng độc giả sẽ ngạc nhiên vì quyển sách đã gây ấn tượng bằng cái tựa dài ngoằng (có lẽ dài nhất trong văn học Việt Nam từ trước đến nay): Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và thêm một chú thích “truyện dài dành cho thiếu nhi, nhưng người lớn đọc cũng hổng sao mà người già đọc càng khoái”.

Nhà văn còn gây “sốc” hơn khi phát biểu: “Sẽ hoàn tiền lại cho độc giả nào không thích quyển sách này và giải thích được lý do vì tôi đã cho ra đời một phế phẩm”. Điều gì làm Lê Văn Nghĩa tự tin như vậy?

Đây là câu chuyện viết về những thằng nhỏ của một xóm nghèo trong Chợ Lớn thập niên 60 với đặc sệt những ngôn ngữ và sinh hoạt của tụi con nít trong toàn bộ câu chuyện. Chúng cùng ở một xóm và học chung trường tiểu học Bình Tây. Người đọc có thể bắt gặp nét ngây ngô đáng yêu đi kèm với sự láu cá, già dặn theo kiểu riêng của trẻ con. Đó là thằng Minh chuyên nghĩ ra cách xem “cọp” phim chiếu bóng thùng. Thằng Ti mê ảo thuật và cách nó đi phá phách những nhà ảo thuật bán cao đơn hoàn tán… Những đứa trẻ với những trò chơi tuổi thơ của Sài Gòn những năm chưa có ti vi như tạt lon, đánh đáo, chơi trận giả làm quân vua Quang Trung đánh cho Tôn Sĩ Nghị “ị ra quần”.

Nhưng lại không hẳn là thiếu nhi vì những đứa trẻ này lại có mối quan hệ với người lớn như chú chiếu bóng thùng, nhà ảo thuật và tay đánh bài. Từ những mối quan hệ này mới đẻ ra kịch tính của câu chuyện vừa dí dỏm lại vừa làm độc giả xúc động vì tính chất nhân văn của tác phẩm thấm đậm tình người.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Cách chú chiếu bóng thùng sử dụng khẩu ngữ bình dân “dẫu hèn cũng thể” thường trực trên đầu môi như một phương châm sống, nói lên cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên, đầy ắp tình người giữa những cảnh đời khốn khó. Hay nhà ảo thuật dạy cho thằng nhỏ xóm nghèo những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó, gợi nhớ đến những bài học khó quên trong sách Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận... Khi đọc và bị hấp dẫn bởi giọng văn giản dị, cấu trúc cũng giản dị, lời văn trong trẻo, nhẹ nhàng và thật hết sức dí dỏm (sở trường của cây bút này), tôi thấy Lê Văn Nghĩa đã bịa ra các nhân vật và câu chuyện nhưng bịa giỏi đến nỗi tôi phải tin là thật (giống như ông đã bịa về những nhân vật nổi tiếng như Sơn Nam, Phạm Huỳnh Tam Lang… mà ai cũng tin là thật trong quyển Mùa hè năm Petrus). Tôi nghĩ, nhà văn viết hay là nhà văn biết bịa chuyện mà phải bịa y như thiệt”.

Ngoài việc khắc họa tính cách và số phận nhân vật, Lê Văn Nghĩa còn có tham vọng phục dựng khí hậu thời cuộc, không khí Sài Gòn xưa từ lời ăn tiếng nói và những khung cảnh bây giờ không còn nữa như anh đã từng làm với tác phẩm Mùa hè năm Petrus mới đây. Như lời của nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nếu nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ dừng lại với các trò chơi, tình huống... chi tiết liên quan đến lũ nhóc, cũng đã hấp dẫn và có thể gợi nhớ lại kỷ niệm hoa niên của bao nhiêu người. Thế nhưng thêm một điều khiến tôi tin chắc nhiều người cũng hào hứng bởi anh đã khéo léo “gài” vào đó những cảnh vật, nếp sống, sinh hoạt của người Sài Gòn thập niên 1960. Do sống tại Sài Gòn từ thuở còn cởi truồng tắm mưa nên anh có lợi thế hơn nhiều nhà văn khác”.

Chất liệu từ trong ký ức ngồn ngộn đổ ào xuống trang viết, từ chuyện ăn mì, xem chiếu bóng thùng, ảo thuật, đánh bài đến lao tường vào rạp xem cọp xinêma… đều được anh đưa vào rất “ngọt” nên không cắt đứt hoặc làm nghẽn mạch văn đang diễn ra. Thú thật, đọc những trường đoạn ắt người lớn có lúc ngậm ngùi, hả hê rồi “bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người”.

Đọc quyển truyện nhưng người đọc có thể tìm lại ít nhiều hiểu biết về Sài Gòn ngày xưa như: Việc xổ số kiến thiết, chơi đề, các nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh ngày xưa, uống cà phê vớ ở những tiệm ăn của người Tàu, những cây cầu ở Chợ Lớn đã mất đi… Vì vậy, cũng không ngoa khi tác giả dám mạnh bạo cho rằng truyện thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng hổng sao mà người già đọc càng khoái.

Thú thật, tôi có hơi ác cảm khi có nhiều bài viết giới thiệu quyển sách của Lê Văn Nghĩa. Tôi cho rằng đây là một thủ thuật quảng cáo. Nhưng sau khi đọc, tôi lại cảm thấy mình cần viết về quyển sách này, để các bậc phụ huynh và những người ham đọc sách chọn được cho mình một quyển sách thích hợp trong một rừng sách đủ loại ngôn tình như hiện nay.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục