"Truyền thông dối trá tạo cớ cho cuộc chiến vì nhân đạo" là tựa đề bài viết vừa được đăng trên mạng tin Global Research của tác giả Julie Lévesque. Theo đó, tác giả cho hay, hàng loạt những báo cáo với nguồn tin không rõ ràng của truyền thông phương Tây về số người biểu tình thiệt mạng tại Syria đang đẩy quốc gia này đứng trước nguy cơ trở thành “Libya thứ hai”. Xin được lược trích bài viết trên.
Theo hàng loạt báo cáo của truyền thông phương Tây, tổ chức nhân quyền cũng như LHQ, các lực lượng Chính phủ Syria đã giết hại vô số kể dân thường nước này kể từ khi bất ổn tại Syria nổ ra từ giữa tháng 3 vừa qua. Nhưng những con số này từ đâu ra?
Rất nhiều báo cáo về số thương vong được cho là do Chính phủ Syria đàn áp không hề đề cập đến nguồn tin. Các báo cáo thường chỉ nhắc rằng do các nhóm nhân quyền hoặc các nhà hoạt động xã hội.
Ví dụ, “Các tổ chức nhân quyền cho biết quân đội Syria đã tấn công những người biểu tình ủng hộ dân chủ làm 8 người thiệt mạng tại tỉnh Idlib, phía Bắc Syria và 4 người tại các khu vực trung tâm gần Hama (Các lực lượng Syria giết 12 người khi người đứng đầu ICRC đến thăm Damascus, Tiếng nói Hoa Kỳ, ngày 4-9-2011)” hay “Những người biểu tình đang thách thức Tổng thống Bashar al-Assad và gia đình của ông vốn đã nắm quyền điều hành Syria trong hơn 40 năm.
Cái giá quá cao cho sự chống đối: ít nhất 200 người chết, theo các tổ chức nhân đạo, và rất nhiều các nhà hoạt động trên Internet đã bị bắt giam (đăng trên NPR của Mỹ, ngày 22-4-2011)”. Hay thông tin của Tổ chức ân xá quốc tế (AI) đăng tải ngày 22-4-2011 cũng có một mẫu tương tự: Các nhà hoạt động xã hội cho biết 30 người đã bị giết tại thị trấn Izzra, 22 người tại Damascus và 18 người tại Homs…
Dù biết rằng nặc danh là cần thiết khi người cung cấp thông tin có thể bị đe dọa đến tính mạng, nhưng những thông tin này không thể không khiến bị nghi ngờ rằng: Những con số này được sử dụng như là một phần trong kế hoạch của bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào đang mong muốn thay đổi chế độ tại Syria. Một số cường quốc nước ngoài, trong đó có Mỹ và Israel, theo đuổi việc lật đổ chế độ hiện tại ở Syria lâu nay không còn là điều bí mật. Việc dựa vào các thông tin của giới truyền thông bắt nguồn từ những nhóm vô danh đã khiến dư luận quốc tế hiểu sai về các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Syria.
Các thông tin về số người chết được dẫn từ một tổ chức nhân đạo hay các chuyên gia thường được xem là bằng chứng xác thực mà không cần phải kiểm chứng, dễ làm độc giả tín nhiệm. Các thông tin còn thường xuyên bị bóp méo. Một số ví dụ sau có thể minh chứng cho hiện tượng này:
Một tờ báo viết: AI đã xác nhận được danh tính của 171 người bị giết kể từ khi những người biểu tình đầu tiên thiệt mạng tại Daraa ngày 18-3. Tuy nhiên, thông tin của AI lại là: Ít nhất 171 người được cho là đã thiệt mạng trong suốt 3 tuần bạo động tại Syria.
Bên cạnh đó, Các ủy ban hợp tác địa phương (LCC) được cho là người tổ chức các cuộc biểu tình và là thành viên của Hội đồng dân tộc Syria dường như không đáng tin cậy và nặc danh. LCC từ chối phỏng vấn qua điện thoại, chỉ trả lời qua email. Họ nói họ gồm những người trong và ngoài Syria và muốn cung cấp thông tin tin cậy cho cộng đồng quốc tế. Nhưng thực tế, không ai có thể khẳng định độ tin cậy của những thông tin do họ cung cấp.
Tác giả kết luận “cuộc nổi dậy tại Syria” dường như là bản copy của “phong trào biểu tình” tại Libya mà qua đó NATO có cớ để xâm lược và thay đổi chế độ. Và vai trò của báo chí phương Tây trong cuộc chiến này quá rõ ràng.
Đỗ Văn