Trong những ngày qua, nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra trên mạng xung quanh việc một số phụ huynh phản ánh một cuốn sách vẽ truyện tranh Nhật (manga). Điều này cho thấy với thị trường trong nước, vẫn chưa có cái nhìn thật sự đúng đắn về truyện tranh - một thể loại văn hóa đọc đang phát triển. Nhiều người vẫn mang nặng tư duy cũ, cho rằng truyện tranh là loại văn hóa phẩm thuần túy dùng cho trẻ em.
Áo tắm là phản cảm?
Trong một cuốn sách dạy vẽ manga được xuất bản ở thị trường Việt Nam có đoạn miêu tả cách vẽ cảnh một vụ sát nhân ở một ngôi trường: “…Thời khắc ám sát thể hiện thái độ và động tác của nhân vật chứa đựng cảm giác gấp gáp, vội vàng”. Cũng trong sách có một đoạn dạy vẽ thiếu nữ mặc bikini “Trang phục bơi để lộ đường cong cơ thể, khi vẽ cần thể hiện các đường nét ở phần ngực và mông của nhân vật”.
Và đây là nhận xét của một bậc phụ huynh trên một báo điện tử: “Sách nhố nhăng, làm hại tâm hồn trẻ thơ như thế này thì không thể chấp nhận, không biết nhà xuất bản có kiểm duyệt nội dung không?”
Điều đáng nói nhất là toàn bộ cuốn sách dạy vẽ không có bất cứ đoạn nào để dành cho trẻ thơ và theo thông tin hiện nay thì học vẽ manga chính thức chỉ mới có trong hệ thống một số trường đại học. Nghĩa là cuốn sách trên về lý thuyết dành cho học viên mỹ thuật, ngoài ra sách có thể là tài liệu tham khảo cho những bạn trẻ có năng khiếu mỹ thuật, ham thích vẽ tranh… Và trong những trường hợp này, các đoạn miêu tả như trên là hoàn toàn bình thường. Một sinh viên mỹ thuật phản ánh ngay trên trang mạng: “Chẳng lẽ vẽ tên tội phạm giết người phải thánh thiện, vui tươi; cô gái đi bơi thì vuông vắn, không có đường cong của người phụ nữ?”.
Sự kiện một cuốn sách dạy mỹ thuật bị phê phán như trên cho thấy ở Việt Nam, quan niệm cũ về khái niệm “truyện tranh” vẫn là một điều phổ biến. Đối với rất nhiều bậc phụ huynh thì cứ nhắc đến truyện tranh là nhắc đến sản phẩm văn hóa dành cho trẻ em và đi kèm đó là việc không thể chấp nhận có sự tồn tại của loại truyện tranh “dành cho người lớn”.
Truyện tranh không dành cho trẻ em
Ngay trong dịp tết thiếu nhi 1-6 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc triển lãm truyện tranh của Đức với 55 tác phẩm truyện tranh của 13 tác giả. Điều đáng nói là các tác phẩm truyện tranh đều dành riêng cho người lớn chứ không phải cho trẻ em. Tiêu biểu như tác phẩm Trường hợp điệp viên Sorge của họa sĩ Isabel Kreitz về điệp viên huyền thoại Richard Sorge của Xô Viết thời thế chiến 2. Bà còn là tác giả của tác phẩm Sự phát hiện xúc xích curry với nội dung kết nối chủ nghĩa Quốc xã hiện tại ở nước Đức và mổ xẻ công cuộc vượt thoát quá khứ của người Đức trong những bức tranh đen - trắng đầy tương phản.
Cuộc triển lãm còn cho thấy sức sống mạnh mẽ của truyện tranh người lớn trong đời sống văn hóa đọc hiện tại khi góp phần phản ảnh những vấn đề thời sự như tác phẩm của tác giả Flix, đặt chủ đề chính trị vào giữa hiện thực và hư cấu khiến câu chuyện như trò chơi trí tuệ trong tác phẩm chuyển thể từ vở kịch Faust của Goethe, song song đó, tác phẩm còn nêu lên những vấn đề về những kẻ ngoài lề xã hội. Còn tác giả Ulf K thì có tác phẩm Hireonymus B xoay quanh nhân vật chính cùng tên cũng của Ulf K. Để thoát khỏi đời sống công sở tù túng kiểu Kafka, gã công chức Hireonymus B chìm đắm vào giấc mộng trong những thế giới siêu thực, nơi những cuốn sách biết bay và những bức tranh sống dậy.
Đánh giá về những tác phẩm này, một bạn đọc lớn tuổi tại Hà Nội đã nhận xét: “Loại hình này ra đời sẽ giúp người lớn tuổi tiếp nhận tri thức nhanh và dễ hơn những cuốn sách dày”.
Nửa nạc nửa mỡ
Đó là tình trạng của truyện tranh người lớn ở Việt Nam hiện nay. Một mặt, rất nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh vẫn bảo thủ quan điểm “truyện tranh chỉ dành cho trẻ em” và vì thế khi thấy những cuốn truyện tranh cho người lớn, họ đều phản ứng quyết liệt vì e ngại trẻ em sẽ học điều xấu từ đây. Nhưng ở một mặt khác, xã hội ngày càng phát triển, mở rộng, phóng khoáng hơn, nhu cầu người lớn, trưởng thành đọc truyện tranh cũng đã xuất hiện từ nhiều năm nay dẫn đến nguồn truyện tranh người lớn cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Để đáp ứng những nhu cầu đó, các nhà xuất bản cũng đã tung ra nhiều loại truyện tranh không phải cho trẻ em và ở mỗi đơn vị có những cách gọi khác nhau như “dành cho lứa tuổi thanh niên”, “dành cho người lớn”, “dành cho người trưởng thành”… Tuy nhiên, trên thực tế sự phân biệt này hầu như chỉ mang tính hình thức vì không cách nào ngăn chặn thiếu nhi mua truyện tranh dành cho người trưởng thành. Cũng chính vì vậy, thỉnh thoảng người ta lại thấy những thông tin kiểu như sự kiện cuốn sách mỹ thuật ở trên.
Truyện tranh được xem là một thể loại sách pha trộn giữa văn học và điện ảnh. Cũng như mọi loại sản phẩm văn hóa khác, truyện tranh có sự phân biệt bạn đọc dựa trên nội dung chuyển tải, có sự phân biệt tác phẩm hay, giá trị nghệ thuật cao và tác phẩm phản thẩm mỹ, đồi trụy, bạo lực… Ở Việt Nam, truyện tranh người lớn cũng đang dần dần xuất hiện qua những bộ truyện tranh dành cho lứa tuổi mới lớn, dành cho học sinh, sinh viên. Đáng chú ý là những bộ truyện tranh chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển, truyện tranh lịch sử… Điều khó khăn hiện nay là do cách tư duy bảo thủ nên từ tác giả đến nhà xuất bản đều rất e dè khi thực hiện các bộ truyện tranh cho lứa tuổi lớn hơn.
TƯỜNG VY