° Nhiều mặt hàng giảm lợi thế cạnh tranh về giá
(SGGP). – Từ 1-3, giá điện sinh hoạt bậc thang tăng khoảng 6,8%, tức khoảng 1.058 đồng/KWh, giá bán điện bình quân cho ngành sản xuất tăng 6,3%, giá bán lẻ bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh có tỷ lệ lần lượt là 6,3% và 6,1%. Giá điện giờ cao điểm sáng có tỷ lệ tăng tối đa 4%.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (26-2). Cũng theo Bộ Công thương, để khuyến khích tiết kiệm, giá điện giờ cao điểm sẽ được áp dụng nhưng chỉ tăng 2% - 4% so với năm ngoái, tùy thuộc vào mức độ sử dụng.
Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ gia đình thu nhập thấp, 50 KWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên không tăng. Đối với các hộ sử dụng điện ở mức 100 KWh được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân, tiền điện trả thêm tối đa của các hộ này là 7.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng 200 KWh, trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng 300 KWh, trả thêm 26.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng 400 KWh mỗi tháng sẽ chi trả thêm 36.500 đồng/tháng.
Với việc giá xăng thêm 590 đồng/lít và từ ngày 1-3, giá điện sẽ tăng thêm 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009 đã khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp không khỏi lo lắng việc giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
Để tránh tình trạng sốt giá theo kiểu “té nước theo mưa” khiến mặt bằng giá cả càng bị đẩy lên cao, Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc tăng giá từ các doanh nghiệp sản xuất tới doanh nghiệp lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường. Đặc biệt, ngành điện cũng cần phải có giải pháp giảm tổn thất điện năng ở khâu phân phối, truyền tải, tiêu thụ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như may mặc, da giày, thực phẩm... việc tăng giá điện, xăng dầu sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá cả của hàng nội đối với hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, không chỉ có ngành sản xuất mới chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu, điện mà cả các doanh nghiệp thương mại cũng lâm vào tình trạng này. Sau khi chương trình vay vốn ưu đãi để bình ổn hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán kết thúc rất có thể giá cả hàng hóa sẽ tăng từ 5%-10% so với hiện nay.
N.QUANG