
- Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% từ tháng 5
Hôm qua 9-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% và áp trần lãi suất huy động USD cá nhân 3%/năm. Theo NHNN, đây là một bước triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
- Giải quyết bất hợp lý lãi suất USD
Cụ thể, kể từ ngày 13-4, NHNN ấn định lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú ở mức 3%/năm. Lãi suất huy động tối đa bằng USD của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ tổ chức tín dụng) là 1%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa nói trên đã bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức và áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ. Đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức lãi suất huy động vốn tối đa. Đối với lãi suất huy động vốn có kỳ hạn bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng phát sinh trước ngày 13-4 thì được thực hiện đến hết thời hạn đã thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân. NHNN nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng USD tại các địa điểm huy động vốn theo quy định của NHNN.
Lý giải lý do lập trần lãi suất huy động USD với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo NHNN cho biết, hiện nay lãi suất tiền gửi USD của dân cư bình quân 4,65%/năm, lãi suất cho vay bình quân 6,83%/năm; lãi suất huy động USD trong nước lớn gấp nhiều lần so với lãi suất USD (Sibor, Libor) trên thị trường quốc tế, lãi suất huy động USD các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào, Trung Quốc) và lãi suất tiền gửi của tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước gửi ở nước ngoài. Do đó, lãi suất huy động bằng USD hiện nay của các TCTD là chưa hợp lý, gây áp lực tăng đối với lãi suất tiền gửi VND và lãi suất cho vay bằng USD. Việc áp dụng trần lãi suất là để lãi suất huy động bằng USD ở trong nước và ngoài nước có mối tương quan hợp lý so với lãi suất thị trường quốc tế và khu vực, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo yêu cầu khuyến khích thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về nước.

Giao dịch qua ngân hàng vẫn nhộn nhịp. Ảnh: C.Thăng
- Giảm áp lực thị trường ngoại tệ
NHNN cho biết, trong quý 1-2011, vốn huy động ngoại tệ trong nước của các TCTD tăng khoảng 19,5%, vốn huy động ngoại tệ từ nước ngoài tăng khoảng 15,1%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng khoảng 13%. Thanh khoản bằng ngoại tệ của TCTD được đảm bảo, nhưng tín dụng ngoại tệ tăng ở mức khá cao. Vì thế, để chủ động kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, NHNN quyết định điều chỉnh tăng thêm 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, áp dụng kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 5-2011.
Riêng Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác có tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 5%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Riêng Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ và khống chế lãi suất tiền gửi USD là phù hợp với chủ trương giảm đô la hóa trong nền kinh tế, chuyển dần quan hệ tín dụng bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán để góp phần ổn định vĩ mô. Các chính sách mới sẽ khiến các ngân hàng thương mại phải tính toán, cân nhắc lại bài toán huy động và cho vay ngoại tệ trong thời gian tới. Khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm, người dân sẽ chuyển sang gửi VND và các doanh nghiệp cũng giảm vay ngoại tệ do lãi suất vay tăng, từ đó giảm tình trạng găm giữ USD, tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Điều này cũng có lợi cho sự ổn định của VND, không khuyến khích người dân chuyển sang ngoại tệ gửi ngân hàng, bởi gửi lãi suất tiết kiệm USD không còn hấp dẫn.
BẢO MINH - HÀN NI