Câu chuyện SEA Games

Từ Bacolod đến... Klang Plaza

Vào nhà thi đấu môn bóng bàn của SEA Games 24 lại nhớ đến cái sân ruộng ở Bacolod (Philippines) hồi SEA Games 23. Cái khác nhau duy nhất là nơi thi đấu bóng bàn nằm trên tầng 7 của một trung tâm thương mại có tên Klang Plaza, còn sân thi đấu ở Bacolod đúng là nằm ở... nông thôn.

Bóng bàn có thể được xem là một trong những môn thanh lịch của thể thao đỉnh cao, thế mà được bố trí vào một trung tâm thương mại, bán đủ mọi thứ trên đời đã nghe không ổn. Thôi thì cũng thông cảm cho tinh thần tiết kiệm của nước chủ nhà, nhưng khi bước vào nơi thi đấu thì không thể chịu nổi.

Đấy là một khung cảnh hỗn độn đến... bất ngờ. Nơi thi đấu của môn bóng bàn là một phòng tập thể thao của Klang Plaza. Người ta dựng tạm một số chỗ ngồi, khoanh tròn khu vực thi đấu, còn tất cả những khu vực khác thì… kệ. Thế là cái môn bóng thanh lịch, dễ thương lại phải chứng kiến cảnh người này đi qua, người kia  đi lại tìm chỗ … đứng.

Ai muốn nói thì nói, cười thì cứ cười, vì trong cái không gian chật hẹp ấy, không thể cấm tất cả mọi người không được đi lại hay nói năng. Đơn giản, nó bé quá, chật chội quá, luộm thuộm quá. Đấy là chưa nói, để lên đến cái tầng 7 ấy, VĐV và người hâm mộ đi chung 2 cái thang máy bé xíu với rất nhiều người khác vốn chẳng biết cái gì đang diễn ra trên lầu 7.

Tiết kiệm là tốt, nhưng tiết kiệm như thế này khi không khác gì bôi bác. Nó cũng chẳng khác ấy cái sự “sỉ nhục” đối với môn bóng đá ở cái sân mặt ruộng tại Bacolod năm 2005. Mỗi năm, SEA Games mỗi xuống cấp rồi ư?

Thật cũng khó trách nước chủ nhà Thái Lan, nơi đã từng tổ chức đến 5 kỳ đại hội mà 2 kỳ gần nhất (năm 1995, 2007) đều không diễn ra ở Bangkok. SEA Games trở thành mục tiêu phát triển hình ảnh của một tỉnh lẻ chứ chẳng còn là cơ hội khuếch trương hình ảnh quốc gia. Không thể không suy ngẫm ý kiến cho rằng: SEA Games gần thành cái hội làng, đua tranh hàng trăm bộ huy chương mà chỉ có vài chiếc trong số ấy là đủ đẳng cấp để tranh đua cùng thế giới. Phong trào “nhà nhà SEA Games” cuối cùng chỉ là chút lễ lạt cuối năm vậy sao? Để rồi ai cũng có quyền đày ải một môn chơi thanh tao như bóng bàn vào một địa điểm không đủ điều kiện để thưởng lãm những nét đẹp của các đường bóng nhanh như cắt.

Chúng tôi đã từng cảm nhận cái không khí hời hợt ở ngay môn thể thao vua tại kỳ SEA Games 23 ở Philippines. Kể từ khi bị giới hạn tuổi, sân chơi SEA Games không còn là niềm hân hoan  cực độ của các tín đồ môn túc cầu giáo ngay tại Đông Nam Á. Chỉ có Việt Nam ta, trong niềm khao khát vàng, vẫn tràn trề sự rung động hết lần này đến lần khác trên đỉnh điểm của cảm xúc.

Đến SEA Games lần này, hỏi chuyện 3 vị HLV của 3 đối thủ lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia và Singapore thấy ai cũng ngạc nhiên đến khó tin quá trình chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam. Thái Lan: chỉ có 2 tuần với 2 trận giao hữu để chuẩn bị cho SEA Games. Singapore, chỉ hơn một tuần và 1 trận giao hữu vô thưởng vô phạt. Indonesia: 1 tháng tập huấn nhờ sự tài trợ của Argentina.

Ai cũng muốn vô địch SEA Games, nhưng hình như đấy chỉ là một nghĩa vụ. Một bộ phận lớn của làng cầu Đông Nam Á đang dần có cùng một quan điểm của làng cầu thế giới về sân chơi của lứa tuổi Olimpic: đấy không phải là mục tiêu nhất thiết phải đạt được đối với một nền bóng đá. Chỉ có khát vọng cháy bỏng của Việt Nam vẫn còn đấy. Vì thế khi mà nhiều người xem nhẹ những thành tích tại SEA Games, chúng ta vẫn đang mòn mỏi chờ một chiếc huy chương vàng...

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục