Từ chiến khu đến chiến khu - Bài 4: Ba thế hệ đảng viên cùng giữ rừng

Từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, đến năm 2003 lập Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu, sáp nhập, chuyển rừng sản xuất sang rừng đặc dụng từ 3 lâm trường. Đến năm 2009, lập Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (nay là Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) ở khu vực cuối chiến khu Đ xưa, với diện tích rộng hơn 100.000ha.

Điều ấn tượng chính là những đảng viên người dân tộc - thế hệ con cháu của những già làng xưa - đang âm thầm đóng góp vào việc gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới, tạo tiền đề phát triển bền vững cả một vùng chiến khu Đ rộng lớn. 

Từ chiến khu đến chiến khu - Bài 4: Ba thế hệ đảng viên cùng giữ rừng ảnh 1 Kiểm tra độ sinh trưởng của cây rừng ở Khu bảo tồn rừng chiến khu Đ
Đồng bào Chơro son sắt theo Đảng

Theo chân các kiểm lâm viên Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là khu bảo tồn), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tiến (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Căn nhà cấp 4 khiêm tốn so với vẻ sừng sững, cao vút của những cây dầu đặc hữu vùng Đông Nam bộ ở ngay trước mặt nhà, do chính già làng Năm Nổi trồng từ mấy chục năm trước. Ông Tiến chính là con trai của già làng nổi tiếng này.

Ông Tiến kể: “Quê nội tui ở Ninh Bình, hồi đó ông nội tui làm công-tra cho Pháp, vào đây lấy bà nội là người dân tộc Chơro, sinh ra ông già năm 1930. Cả ông nội tui và ông già đều tham gia cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông già từng tham gia du kích xã Lý Lịch (nay là xã Phú Lý anh hùng), được thưởng nhiều huân, huy chương lắm, không nhớ hết đâu”. Và lời kể mộc mạc của ông Tiến đã đưa chúng tôi về với ký ức những năm tháng chiến tranh.

Nhằm mở rộng vùng căn cứ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào cuối năm 1947, Tỉnh ủy Biên Hòa thành lập huyện Sông Bé trên cơ sở 5 xã vùng căn cứ, gồm Lý Lịch, Bù Cháp, Vĩnh An, Tú Hiệp và Văn Minh - giáp với chiến khu Đ về phía Đông và là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Chơro, Mạ, S’tiêng, Khmer. Gắn liền với công tác xây dựng căn cứ địa là công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia, ủng hộ cách mạng. Đồng bào Chơro xã Lý Lịch đã ủng hộ lương thực, thực phẩm, mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, nuôi quân góp phần vào chiến thắng đầu tiên của Khu ủy và Bộ Chỉ huy Khu 7 là trận La Ngà ngày 1-3-1948, cũng như thắng lợi của kháng chiến chống Pháp. Vào tháng 5-1957, Chi bộ Đảng của xã Lý Lịch được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Nổi (già làng Năm Nổi) làm bí thư và cũng là chi bộ độc lập đầu tiên ở vùng căn cứ cách mạng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số miền Đông Nam bộ sinh sống. Cũng vào thời gian này, Xứ ủy Nam bộ có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang tại địa bàn chiến khu Đ, trong đó có xã Lý Lịch.

Từ đây, hàng loạt đơn vị vũ trang cách mạng của miền Đông được hình thành, mà đầu tiên là thành lập Ban Quân sự và Đảng ủy Lực lượng vũ trang Miền do các đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Mai Chí Thọ lãnh đạo. Lần giở lại lịch sử Đảng bộ xã thì giai đoạn những năm 1954-1960 là giai đoạn đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào Chơro xã Lý Lịch. Có những lúc địch càn, khủng bố gắt gao, đứt lương thực tiếp tế nên bộ đội thiếu cái ăn, đồng bào đã tổ chức đi đào củ chụp, hái đọt mây, măng tre ủng hộ bộ đội. Nhờ những đảng viên cốt cán như già làng Năm Nổi mà đồng bào đã ghi dấu lời thề son sắt với Đảng, với Bác Hồ: “Đồng bào xã Phú Lý dù gian khổ đến mấy cũng theo cách mạng, theo bộ đội đến cùng; thà chết trong rừng với bộ đội chứ không ra vùng tạm chiếm”.    

Giữ rừng bằng niềm đam mê

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, già làng Năm Nổi vận động con cháu hăng hái tích cực tham gia công tác, xây dựng cuộc sống mới mà một trong những công việc phù hợp nhất với bà con người dân tộc bản địa chính là bảo vệ rừng. Cả đời gắn bó với rừng, được rừng nuôi sống, che chở vượt qua bom đạn, nên khoảng năm 1977, già làng Năm Nổi đã đi tiên phong trồng nhiều loại cây rừng trên mảnh đất khoảng 2.000m2 quanh nhà.

Cũng chính nhờ tình yêu rừng người cha truyền lại, mà cả 3 anh em ông Tiến đều làm bảo vệ cho lâm trường, dù họ thừa nhận “nghề kiểm lâm cực lắm, ngày cũng không yên, đêm cũng không yên, khi nhận được tin báo có vụ phá rừng là vội đi ngay”. Những người trông coi rừng như ông luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Khoảng những năm 1990-1992, lâm tặc kéo hạ cây gõ đỏ vận chuyển lên xe bò, sẵn sàng dùng súng tấn công kiểm lâm viên, có lần ông cũng bị lâm tặc vác rựa xấn tới chém nhưng né được, gọi đồng đội tiếp ứng, bắt được đối tượng… Ý thức được truyền thống gia đình và cũng được già làng Năm Nổi động viên, ông Tiến phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 2000. Từ tháng 6-2017, ông Tiến nghỉ hưu theo Nghị định 108, lương hưu mỗi tháng được 3,6 triệu đồng. Thỉnh thoảng, ông vẫn tham gia làm công tác phát dọn thực bì phòng chống cháy, hay trồng rừng cho khu bảo tồn để có thêm thu nhập, lo cho gia đình.   

Điều đáng mừng là tình yêu rừng giờ đã được truyền lại cho thế hệ thứ ba như anh Hồ Diến (sinh năm 1987, tại xã Phú Lý), cháu gọi ông Tiến bằng bác. Sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, Diến xin vào làm ở khu bảo tồn, được cơ quan tạo điều kiện cho đi học sơ cấp, rồi trung cấp lâm nghiệp (tốt nghiệp năm 2019). Anh cũng phấn đấu được kết nạp Đảng vào cuối năm 2011 và trở thành một trong những người đi đầu trong công tác giữ rừng ở vùng đầu nguồn sông Đồng Nai, nơi có chiến khu Đ xưa.

Chúng tôi tiếp tục theo chân anh Tới (Trạm trưởng Kiểm lâm cơ động, khu bảo tồn) vào thăm di tích Trung ương Cục miền Nam, cách Phú Lý 26km. Trên đường đi, anh Tới chỉ cho chúng tôi những khoảnh rừng trồng từ năm 2004, khi anh mới vào nghề kiểm lâm, những cây sao, dầu đang lên xanh tốt, đường kính trên dưới 20cm đều tăm tắp. Gần đây, những hộ dân sống trong rừng đã được di dời để tránh tác động tiêu cực vào rừng. Từ ngã ba Trung ương Cục đi vào, cả một thế giới rừng đặc dụng Đông Nam bộ hiện ra, dài hun hút hai bên con đường đất đỏ. Càng vào sâu, cây rừng càng dày, dây leo ôm lấy cây bụi chằng chịt; đi một lát lại gặp những cây sao, cây dầu cổ thụ thẳng đứng, có cây cả kơnia gốc xum xuê 2 người ôm không xuể. 

Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Văn Trí, Phó Trạm bảo vệ di tích Trung ương Cục. Trực trạm có 6 người, tất cả đều là đảng viên. Khi được hỏi, dù thu nhập không cao lại đối mặt với hiểm nguy, mưa gió,  nhưng động lực nào để anh có thể gắn bó 30 năm với công tác bảo vệ rừng? Anh Trí cười, nói: “Chủ yếu là từ đam mê, anh em thấy được giá trị của rừng đối với môi trường, tài nguyên quốc gia. Chỉ riêng khu vực do trạm chúng tôi được phân công bảo vệ, qua điều tra có đến 1.610 loài cây, 105 loài thú và 348 loài chim, nên anh em thấy có niềm vui. Vừa rồi, mình mới nghỉ phép 20 ngày, ở nhà được vài ba bữa, thấy nhớ rừng ghê lắm!”. 

Cũng nhờ công sức của nhiều thế hệ như già làng Năm Nổi, đến thế hệ kiểm lâm viên hôm nay của khu bảo tồn, mà vào ngày 29-6-2011, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam. Điều đó đã thể hiện quan điểm đúng đắn, nhất quán của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai qua các thời kỳ, trong sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ lá phổi xanh cho vùng Đông Nam bộ - tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc và thế giới.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có nhiều chiến khu, căn cứ được lập ra có thể là của xã, huyện, tỉnh và Trung ương, nhưng đặc điểm chung nhất là những nơi đó phải có thế trận tốt, vừa có thể tiến đánh địch, vừa có thể lùi về để củng cố lực lượng một cách an toàn. Và quan trọng nhất chính là thế trận lòng dân, nơi in đậm tình người, tình đồng chí, tình quân dân. Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn nhiều thứ thì dân nuôi cán bộ, từ lương thực, thực phẩm đến cả thuốc men; dân chở che cán bộ, có những hầm bí mật do dân đào để che giấu cán bộ, những cống hiến của họ là không thể nào kể hết. 

Bên cạnh việc tôn tạo, giữ gìn các di tích chiến khu ở khu vực Đông Nam bộ, trong đó có bảo vệ rừng, cần đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn cho các di tích để cải thiện thu nhập cho người dân các vùng chiến khu. Thông qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Có như vậy, chúng ta mới chiến thắng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hôm nay.

Tin cùng chuyên mục