
Hóa ra nhà thiên tài bí ẩn quay lưng lại với số tiền khổng lồ đang sống trong nghèo khổ với người mẹ già. Và mặc dù lẩn tránh và từ chối mọi tiếp xúc với báo chí, Grigory Perelman đã bị “chộp” và chấp nhận trả lời một số câu hỏi, đăng trên tờ Pravda ngày 28-8-2006.
Cuộc săn lùng nhà khoa học nổi tiếng nhất và khép kín nhất nước Nga

Để tìm Perelman tại quê nhà St.Petersburg của ông gần giống như cuộc tìm kiếm một nhân viên tối mật. Căn hộ ông thuê gần đây tại đường Budapest không có người ở.
Theo những người láng giềng, Perelman biến mất ngay sau quyết định từ chối 1 triệu USD được cả thế giới biết đến. Không ai tìm ra tung tích nhà khoa học vĩ đại.
Nhưng cuối cùng người ta cũng phát hiện ra chỗ ở của Perelman. Thiên tài 40 tuổi đang sống tại vùng Kupchino thuộc St.Petersburg tại căn hộ ba phòng của mẹ ông - bà Liubov Leybovna, 78 tuổi.
Căn hộ nằm trong một tòa nhà thương mại ở địa phương. Các nhà báo gõ cánh cửa gỗ xơ xác. Người mẹ già của nhà khoa học hết sức cảnh giác, không để các vị khách không mời vào nhà. Chỉ sau hồi lâu thuyết phục, bà mới ngần ngừ mở cửa...
Tất cả 3 phòng của nhà Perelman chật ních sách vở. Căn phòng nhỏ nhất có một cây đàn piano cổ đã lâu lắm chưa ai đụng vào. Phòng khách với một chiếc bàn ăn nhỏ, ở góc phòng có một cây đàn violin và một chiếc contrabass.
Tất cả những bức ảnh của nhà toán học lấy ra từ album của gia đình được người mẹ ôm ghì trước ngực. Bà Liubov Leybovna thở dài, “Chúng tôi không sung túc. Như các bạn thấy đấy, 3 chúng tôi ở đây cùng nhau: tôi, con trai và con gái tôi, em gái cùng mẹ khác cha của Grigory. Elena hiện đang ở nước ngoài nhưng con trai tôi…”. Đột nhiên bà trở nên lo lắng khi nhận ra có thể đã nói quá nhiều và cố gắng sửa chữa. Bà nói: “Thông thường Grigory ít khi đến đây và các bạn không nên đợi vì tôi nghĩ nó sẽ không đến đây tối nay. Nó có nơi thuê riêng”.
Bà Liubov Leybovna không thể giải thích được nhà khoa học được coi là chính thức thất nghiệp kiếm tiền ở đâu để thuê, vậy nên bà nhanh chóng tống cổ những vị khách tọc mạch.
Grigory Perelman xuất hiện tại nhà mẹ một lúc sau đó vào khoảng 6 giờ tối. Theo “truyền thống” của những câu chuyện trinh thám hay nhất, 30 phút trước khi con trai đến, bà Liubov Leybovna đi ra ngoài và cẩn thận kiểm tra khu vực quanh nhà, chăm chúù quan sát những chiếc xe đậu gần đó.
Mười phút sau đứa con nổi tiếng thế giới của bà xuất hiện. Mặc một chiếc áo khoác màu tối, một cái áo thun đen, một cái quần jeans cũ và một đôi giày thể thao xơ xác, Perelman nhanh chóng chạy vào cổng. Ngay khi nhận ra phóng viên, gương mặt ông ta trở nên u sầu và cố lẩn nhanh vào sau cánh cửa.
- Grigory, tại sao ông từ chối nhận 1 triệu USD?
- Tôi có nhiều lý do.
- Tại sao ông lại lẩn trốn lúc này?
- Tôi có những kẻ thù.
- Ông làm ở đâu vào lúc này?
- Không đâu cả, tôi bỏ việc tại viện tháng 12 năm ngoái. Bây giờ tôi không làm ở đâu cả.
Cuộc tiếp xúc lần đầu tiên của Perelman với cánh phóng viên thật kỳ lạ. Cũng kỳ lạ như chuyện ông đưa ra bài giải bài toán bị thách đố cả trăm năm từ 3 năm trước và rồi lẳng lặng biến mất, chẳng buồn nhận giải.
Người giải bài toán thiên niên kỷ
Năm 2003, nhà toán học Nga Grigory Perelman công bố đã giải quyết được một vấn đề toán học hóc búa, giả thuyết của Poincaré, nhà bác học Pháp, đưa ra từ 1904. Đây là một trong 7 thách đố thiên niên kỷ được Viện Toán học Clay ở Mỹ trao giải 1 triệu USD cho bất kỳ ai giải được.
Sau khi đưa một ít trang cô đọng về bài giải lên mạng Internet và được mời thuyết trình khắp nước Mỹ, Perelman - thường gọi Grisha - trở về Nga và biến mất tăm, có lẽ ở đâu đó trong những khu rừng Nga và bận... hái nấm vì mọi thư từ, e-mail cho ông đều không có trả lời, để lại sự băn khoăn cho các nhà toán học về lời giải quá vắn tắt. Các nhà toán học sau đó đã nhặt nhạnh những công bố của ông và tiếp tục tìm hiểu.
Sau 3 năm họ kết thúc công việc, biết rằng ông đúng, và cho lưu hành 3 quyển sách dày khoảng 1.000 trang đậm toán học và những bài viết trao đổi giữa họï. Cộng đồng các nhà toán học cho rằng đây là một bước khai thông giúp họ tìm ra hình dạng của vũ trụ. Và tại thời điểm này, họ chẳng thể lần tìm ra Perelman, người có khả năng đoạt giải Field toán học.
Và rồi trường hợp hi hữu đã xảy ra tại Hội nghị toán học quốc tế quy tụ 5.000 nhà toán học diễn ra ngày 22-8-2006 tại Madrid, Tây Ban Nha. Grigory Perelman đã đoạt giải Field, vì có công chứng minh được giả thuyết của Poincaré về bản chất của vũ trụ đa chiều, nhưng không đến theo thư mời, từ chối nhận giải. Từ chối mọi cuộc phỏng vấn và nói tự ông sẽ giải thích trong vài tháng tới. Ngoài việc từ chối vinh dự cao quý này, các đồng nghiệp nói Perelman dường như không quan tâm gì đến giá trị giải thưởng 13.400 USD và khoản trao thưởng 1 triệu USD của Viện Clay.
Perelman nổi tiếng không chỉ vì công trình về hình học của Poincaré – trong số những công trình toán học hóc búa chưa giải được – mà còn vì đã từ chối nhiều giải thưởng toán học trước đây đồng thời khước từ lời mời làm việc tại Princeton, Stanford và nhiều trường đại học nổi tiếng khác.
Perelman là người St Petersburg, năm nay 40 tuổi. Sau khi giành học vị tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp St Petersburg, ông đến làm việc tại Đại học California (Mỹ) trước khi trở lại làm việc ở Viện Toán học Steklov, quê hương ông, nhưng cuối năm ngoái cũng đã rời viện. Tại đại hội lần này còn có 3 nhà toán học trẻ tuổi khác được nhận giải, gồm một người Nga, một người Pháp và một người Australia.
Lệ Thư tổng hợp
* Giải Nobel có từ năm 1901 có đủ các giải về vật lý, hóa học, sinh học, y khoa, văn chương, y tế, hòa bình nhưng lạ lùng là không có giải Nobel toán học. Mãi đến năm 1924, giáo sư John Charles Fiels (1863 – 1932), một nhà toán học quốc tịch Canada, mới đề nghị dùng phần thừa của Quỹ hội nghị Toronto làm giải thưởng cho các nhà toán học xuất sắc. |