Và gần nhất, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ bán cho Huawei những linh kiện quan trọng đã đẩy cuộc chiến lên một tầm… căng thẳng mới.
Đòn đánh này của Mỹ được các chuyên gia kinh tế thế giới ví như “bắn tên vào gót chân Achilles” (theo quan niệm phương Tây) và “đánh vào tử huyệt” (theo quan niệm phương Đông), xoáy vào tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc là Huawei. Đòn này đấm thẳng vào mảng kinh doanh điện thoại di động và thiết bị viễn thông - mảng sản xuất chủ lực đã giúp Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới.
Sau “lệnh đánh” của người đứng đầu Nhà Trắng, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã ngay lập tức tấn công. Với điện thoại di động, Google đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei, đồng nghĩa với việc Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android và những bản cập nhật mới, cũng như không cung cấp các ứng dụng của CH Play để tải Gmail, Youtube, Google Map…
Với các thiết bị viễn thông, các công ty công nghệ khác như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng tuân lệnh chính phủ Mỹ ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Các nhà sản xuất chip như Qorvo và Texas Instruments, Công ty Phần mềm Oracle và Microsoft đã đình chỉ các lô hàng cho Huawei. Đây là cú sốc lớn đối với Huawei, bởi cách đây chỉ 3 tháng, trước việc Mỹ thuyết phục các nước không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng lưới siêu tốc 5G với lý do phục vụ mục đích gián điệp, Huawei đã “tuyên bố bất cần” rằng công nghệ 5G của họ đã đi trước các đối thủ Âu - Mỹ ít nhất 1 năm và họ là đối tác không thể thay thế cho các nhà cung cấp mạng không dây muốn tiên phong cung cấp dịch vụ mới.
Thế là, sau khi các công nghệ Mỹ ra tay, Huawei đã lộ điểm yếu vì sự lệ thuộc linh kiện từ phía Mỹ, nhất là thiết bị viễn thông cung cấp cho các nhà mạng đầu tư thiết lập mạng 5G. Ở mảng này, mỗi năm Huawei đã mua khoảng 67 tỷ USD linh kiện, trong đó có khoảng 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ. Như vậy, nếu bị ngấm đòn, việc triển khai mạng 5G trên toàn thế giới của Huawei có thể bị suy yếu toàn diện. Mà tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc suy yếu sẽ khiến kế hoạch giành thế thống trị trong công nghệ cao trước năm 2025 của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.
Rõ ràng, đòn đánh vào công nghệ, mà cụ thể nạn nhân là tập đoàn công nghệ Huawei, không đơn thuần là cuộc chiến về công nghệ mà còn là cuộc chiến về kinh tế, là cuộc tranh giành ngôi thống trị công nghệ, thống trị kinh tế của các cường quốc. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước nào nắm trong tay thiết bị tiên tiến nhất, đường truyền tốc độ nhất, nguồn nhân lực chất lượng nhất… thì đất nước đó sẽ đi trước, có tầm ảnh hưởng nhất. Cuộc chiến về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định đối thủ có tầm ảnh hưởng nhất, điều mà Mỹ không thể cam tâm khi thấy Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ những năm gần đây. Chiến tranh thời kỳ mới không chỉ là cuộc chiến về vũ khí quân sự mà là cuộc chiến thuộc về công nghệ, khả năng khuynh loát không gian mạng, sử dụng tối ưu trí tuệ nhân tạo và sức mạnh của robot…
Bài học còn nóng bỏng từ tập đoàn Huawei đang đặt ra những yêu cầu hết sức lớn lao cho các doanh nghiệp trong nước. Bước vào cuộc đua 4.0, các doanh nghiệp công nghệ Việt dường như mới chỉ là những người học việc trước các ông khổng lồ ngoại quốc. Trên 95% doanh nghiệp công nghệ Việt, nếu không gia công cho hãng nước ngoài thì cũng sản xuất dựa trên dây chuyền nhập từ nước ngoài, lắp ráp linh kiện nhập khẩu để cho ra sản phẩm. Phần còn lại sản xuất mang thương hiệu Việt nhưng “nội dung” cũng là của các hãng công nghệ nước ngoài, có chăng phần vỏ và nhãn mác mới thật là sản xuất trong nước. Sự phụ thuộc linh kiện công nghệ nước ngoài, rất nguy hiểm, sẽ khiến các doanh nghiệp Việt bị lệ thuộc nước ngoài trong quá trình phát triển.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp công nghệ Việt cần thấm nhuần khẩu hiệu hành động “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam”. Doanh nghiệp Việt phải làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất, sứ mạng doanh nghiệp gắn liền với sứ mạng quốc gia.
“Make in Việt Nam” - khẩu hiệu hành động của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 - sẽ là chỉ dẫn định hướng để doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên, tránh sự phụ thuộc của nước ngoài, đưa đất nước phát triển vững chắc, độc lập, tự chủ.