Tự chủ đại học nhưng phải có điều kiện minh bạch

Cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra về một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, song các ý kiến trong UBTVQH lưu ý cần minh bạch các cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ của các đại học, trường đại học.

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong khuôn khổ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTTNNĐ) Phan Thanh Bình nêu rõ: Tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp thứ 26 và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vừa qua, Thường trực Ủy ban đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học, tự chủ đại học, cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học tư thục, quản lý nhà nước về giáo dục đại học…

Liên quan đến nội dung tự chủ đại học, ông Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật, năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

“Bên cạnh đó, Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đã nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ”, người đứng đầu Ủy ban VHGDTTNNĐ nhấn mạnh.

Cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra, song các ý kiến trong UBTVQH lưu ý cần minh bạch các cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ của các đại học, trường đại học.

Tự chủ đại học nhưng phải có điều kiện minh bạch ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng trường với nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của ban giám hiệu nhà trường, hiệu trưởng. Ví dụ, Điều 16 của dự thảo nêu hội đồng trường có 11 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn; nhiều vấn đề lớn do hội đồng trường quyết định như chiến lược, kế hoạch phát triển trường, chính sách tuyển sinh, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, quy định cơ cấu, tổ chức bộ máy…

“Nhưng đi vào thực tế thì như thế nào? Trong bộ máy của đại học Quốc gia có các trường thành viên; trong trường thành viên lại có các viện, trung tâm, khoa, bộ môn, thư viện… Liệu có phải tất cả bộ máy này đều do hội đồng trường quyết định hay không? Nếu không, thì phải quy định cụ thể trong luật: ban giám hiệu nhà trường làm gì, hiệu trưởng làm gì? Việc thông qua, phê duyệt, quyết định phải gắn với từng chức danh, chức vụ trong trường đại học, đại học thì mới bảo đảm thực hiện được quyền tự chủ. Về quản lý nhà nước, nhiều học viện trực thuộc bộ chủ quản, quan hệ giữa bộ chủ quản với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với địa phương như thế nào…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ra hàng loạt vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cá cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện dự luật để kịp trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ (tại kỳ thứ 6 tới đây).

Tin cùng chuyên mục