Từ Công viên phần mềm Quang Trung: Mở chuỗi công viên phần mềm

Công viên phần mềm Quang Trung đang nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo TPHCM xây dựng một số trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) để thu hút các phòng thí nghiệm, các tập đoàn đa quốc gia về CNTT vào hoạt động, tiến tới trở thành khu chuyên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Sau hơn 4 năm đeo đuổi đề xuất và chủ động tìm mối liên kết, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đã dần rõ hình hài với những thành viên đầu tiên. Cùng với quyết định của Chính phủ tạo đường hướng cho việc thí điểm thành lập chuỗi, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, đặt ra mục tiêu phát triển chuỗi đến năm 2020 đạt tổng doanh thu dịch vụ từ 15.000 - 17.000 tỷ đồng, có tổng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) làm việc trong chuỗi đạt từ 35.000 - 40.000 người.
Sức bật mới
Công viên phần mềm Quang Trung (với tên tiếng Anh là QTSC - Quang Trung Software City) được thành lập từ năm 2.000 trong bối cảnh TPHCM được xác định là nơi hội đủ nhiều điều kiện để tiên phong trong lĩnh vực xây dựng nền kinh tế tri thức và QTSC được xác định một trong 12 chương trình trọng điểm của TPHCM giai đoạn 2001-2005.
Ngay từ đầu, nhờ được tổ chức và hoạt động dựa trên mô hình doanh nghiệp,  đã giúp QTSC chủ động, linh hoạt, sáng tạo và thu hút được nguồn lực trẻ, tài năng.
Từ 21 doanh nghiệp vào những ngày đầu thành lập, đến nay đã có 150 doanh nghiệp CNTT đến từ những nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ… gia nhập QTSC (trong đó có 5 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 người); xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ xuất khẩu cho hơn 20 quốc gia…, đưa QTSC trở thành khu CNTT tập trung thành công nhất nước.
Đặc biệt, trong năm 2017, Tập đoàn tư vấn KPMG xếp QTSC đứng thứ 3 trên tổng số 8 khu công nghệ tại châu Á khi đánh giá về các yếu tố liên quan đến hiệu quả hoạt động, chính sách đãi ngộ, hạ tầng viễn thông. 
Từ Công viên phần mềm Quang Trung: Mở chuỗi công viên phần mềm ảnh 1 Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: THÁI BẰNG
Chính những điểm sáng của QTSC đã gợi mở về định hướng xây dựng chuỗi QTSC trong cả nước, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của ngành CNTT, cũng như tận dụng thế mạnh của các địa phương khác. “Quyết định số 333 ngày 3-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập chuỗi công viên phần mềm là quyết định lịch sử đối với ngành CNTT.
Tiếp đó, tháng 10-2017, Bộ TT-TT ban hành ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của chuỗi, góp phần hoàn thiện cơ chế, tạo đà để chuỗi QTSC đẩy mạnh triển khai và đạt sức bật mới”, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng giám đốc QTSC, nhận định.
Trong quy chế, Bộ TT-TT cũng xác định rõ định hướng phát triển là xây dựng chuỗi QTSC trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trên thế giới; đến năm 2020, tổng doanh thu các công ty thuộc chuỗi đạt từ 9.000 - 11.000 tỷ đồng; tổng doanh thu dịch vụ của chuỗi đạt từ 15.000 - 17.000 tỷ đồng; tổng nhân lực CNTT làm việc trong chuỗi từ 35.000 - 40.000 người. 
Khẳng định thương hiệu QTSC
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chính phủ xác định cụ thể 4 thành viên tham gia chuỗi QTSC từ nay đến năm 2020; hiện có 2 thành viên là QTSC hiện hữu và Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP). Trong đó, QTSC vẫn sẽ đóng vai trò chủ động trong các hoạt động thu hút đầu tư vào ngành CNTT; còn ITP triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Song song đó là xem xét các đề nghị tham gia chuỗi từ các địa phương như Đà Lạt, Tiền Giang… 
Nhắc đến sự phát triển của QTSC nói riêng cũng như ngành công nghiệp phần mềm nói chung, đồng chí Lê Mạnh Hà, khi còn là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã đề cập đến câu chuyện tìm kiếm địa điểm mới cho QTSC 2.
Mong ước đó không phải quá khó để thực hiện, khi mới đây QTSC cho biết đang nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo TPHCM xây dựng một số trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) để thu hút các phòng thí nghiệm, các tập đoàn đa quốc gia về CNTT vào hoạt động, tiến tới trở thành khu chuyên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Theo Tổng Giám đốc QTSC Lâm Nguyễn Hải Long, đó là định hướng trong tương lai gần, còn trước mắt tập trung mở rộng QTSC về địa lý - tức chuỗi QTSC, bởi lợi thế của chuỗi tạo ra cho các thành viên chính là kế thừa, phát huy thương hiệu sẵn có của QTSC để thu hút đầu tư, phát triển thị trường trong và ngoài nước; tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng viễn thông, Internet.
Bên cạnh đó, các thành viên trong chuỗi QTSC cũng nhận được sự chỉ đạo tập trung trong quá trình phát triển, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phần mềm.
Song, ông Lâm Nguyễn Hải Long cũng cho rằng, chuỗi QTSC là một công trình chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Đây là mô hình kinh tế tri thức đặc thù nên cần nghiên cứu thấu đáo.
Trong thời gian tới, QTSC và các thành viên trong chuỗi dự kiến sẽ tham quan học hỏi mô hình chuỗi ở các nước, tổ chức các hoạt động đào tạo chung trong chuỗi; tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực của chuỗi; đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư vào chuỗi và quan trọng là xây dựng nhận diện thương hiệu của chuỗi QTSC.
Chặng đường phát triển của QTSC có rất nhiều điều để tự hào, nhưng ấn tượng nhất đó là tầm nhìn của lãnh đạo và sự kiên định mục tiêu: Từ đầu thập niên 1990, lãnh đạo TPHCM đã nhận ra xu thế và vai trò quan trọng của kinh tế tri thức và đã nhanh chóng đề ra chủ trương phát triển nền kinh tế tri thức, lấy phát triển công nghiệp phần mềm là đột phá tiên phong, tạo tiền đề ra đời mô hình Công viên phần mềm Quang Trung. Suốt 17 năm với 3 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố, QTSC luôn được quan tâm chỉ đạo như là một công trình trọng điểm với những người lãnh đạo trí tuệ, tâm huyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm; từ đó đã làm nên những kết quả như ngày hôm nay.
Chu Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên

Tin cùng chuyên mục