
Gần 290 người thiệt mạng, 800 người bị thương chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ khi Israel mở đợt không kích đẫm máu nhất trong lịch sử vào Dải Gaza bắt đầu từ hôm 27-12.
Nếu tính riêng trong tuần qua thì đây là tuần đẫm máu nhất ở Dải Gaza kể từ khi Hamas lên cầm quyền hồi đầu năm 2007. Trước tình trạng gia tăng bạo lực, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột âm ỉ giữa nhà nước Do Thái Israel và người Palestine đang có nguy cơ chuyển sang một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn ở Trung Đông.
Hamas với mục tiêu lâu dài
Hamas là tổ chức du kích Hồi giáo Palestine lớn nhất, được thành lập cách đây 15 năm kể từ khi phong trào Intifada (cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại quân chiếm đóng Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza) đầu tiên nổ ra. Bị Israel và các quốc gia phương Tây là coi là một tổ chức khủng bố, song đối với những người ủng hộ thì Hamas là lực lượng chính thống chuyên đấu tranh để bảo vệ cho người Palestine trước các lực lượng chiếm đóng.

Sinh viên Jordan biểu tình ở thủ đô Amman phản đối cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.
Mục đích ngắn hạn của tổ chức này là đánh đuổi lực lượng Israel khỏi các khu vực chiếm đóng thông qua các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và người định cư Israel tại lãnh thổ Palestine. Mục đích lâu dài của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo như trong lịch sử Palestine.
Hamas đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ trong cộng đồng người Hồi giáo ở Dải Gaza và khu Bờ Tây phần lớn là nhờ nguồn gốc Hồi giáo và cũng do ban đầu, nhóm này hoạt động như một tổ chức Hồi giáo từ thiện.
Tổ chức này vẫn tiếp tục lớn mạnh bất chấp các chiến dịch đàn áp nổi dậy của Israel. Đầu năm 2006, Hamas khiến cả thế giới kinh ngạc với chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử lập pháp ở Palestine. Trung tuần tháng 2-2006, các nghị sĩ Hamas chính thức nhậm chức và tuyên chiến với “một núi thử thách”, mà thử thách lớn nhất mà Hamas không muốn vượt qua là công nhận Israel.
Sự lớn mạnh của Hamas - nỗi lo của Israel
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hamas ngày 27-6-2008 đã mang đến hy vọng mở ra các thỏa hiệp nghiêm túc về vấn đề lãnh thổ giữa Israel và Palestine. Theo đó, Israel cam kết sẽ ngừng các cuộc tấn công vào Gaza và cho phép mở trở lại những cửa khẩu ra vào vùng đất này. Đổi lại, người Palestine tại Gaza cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn các cuộc tấn công bằng rocket và tên lửa tự chế vào miền Nam Israel. 2 bên cũng cam kết sẽ tiến hành thêm các cuộc đàm phán trao đổi tù binh. Quân đội Israel đã mở lại các cửa khẩu ra vào Gaza cho hàng hóa lưu thông vào khu vực này.
Tuy nhiên, lấy cớ đáp trả việc các nhóm vũ trang thuộc Phong trào Hamas bắn rocket vào khu vực của Do Thái làm 2 binh lính Israel thiệt mạng và nhiều dân thường bị thương trong vài ngày qua, Israel đã quyết định khai hỏa từ ngày 17-12.
Giới quan sát nhận định, điều Israel lo ngại nhất không phải vì Hamas “vi phạm nghiêm trọng” lệnh ngừng bắn tại Gaza, mà là loại hỏa tiễn được Hamas sử dụng lần này có tên gọi Grad nguồn gốc từ nước ngoài, có độ chính xác và sát thương lớn hơn nhiều so với những loại rocket thường sử dụng trước đây (Kassam).
Điều này chứng tỏ rằng các nhóm vũ trang thuộc Phong trào Hamas đã lớn mạnh hơn rất nhiều và họ đang nhận được sự ủng hộ của các mạng lưới quân sự bên ngoài lãnh thổ Palestine, thậm chí là có sự tiếp tay của một vài quốc gia nào đó, bất chấp việc Israel, Mỹ và các nước phương Tây đã siết chặt các biện pháp cô lập Hamas sau khi phong trào này chiếm đóng Dải Gaza hồi đầu năm 2007.
Nguy cơ chiến tranh khu vực Trung Đông
Giới phân tích cho rằng Hamas khó sụp đổ dù bị thiệt hại nặng vì ngay cả Tổng thống Palestine Abbas, nhân vật được Israel đánh giá là ôn hòa và dễ đối thoại nhất, đã lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự lần này của Israel.
Hiện kế hoạch trả đũa của Israel đã được hầu như toàn bộ các đảng phái chính trị nước này ủng hộ, xem đó là biện pháp cần thiết để vãn hồi an ninh cho dân cư miền Nam. Một nguồn tin từ quân đội Israel cho biết: chiến dịch này có thể kéo dài. Israel không đặt giới hạn thời gian và nước này có thể kết hợp hải, lục, không quân “để dạy cho Hamas một bài học”.
Mục tiêu quân sự đầu tiên của Israel trong chiến dịch quân sự vào Dải Gaza dường như nhằm ngăn chặn các vụ tấn công bằng rocket của Hamas từ Gaza. Nhưng theo các nhà quan sát, còn có một kịch bản khác: Israel muốn tiêu diệt Hamas. Kịch bản này hiện nay được xem là thiếu tính khả thi, bởi vì mục tiêu này sẽ buộc quân đội Israel trả giá rất đắt bằng sinh mạng. Kịch bản này cũng sẽ khiến uy tín của ban lãnh đạo Israel bị tổn hại, bị thế giới lên án, trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 10-2-2009.
Mặt khác, cuộc tấn công của Israel có nguy cơ mở ra một mặt trận mới và có thể châm ngòi cho các cuộc tấn công mới của quân Hồi giáo Hezbollah đóng tại Lebanon – tổ chức Hồi giáo có cùng mục tiêu với Hamas là “tiêu diệt nhà nước Do Thái. Với sứ mệnh chủ yếu là bảo vệ Lebanon khỏi sự xâm phạm của Israel và nhiệm vụ thứ yếu là phá hủy nhà nước Do Thái, Hezbollah muốn thấy sự thống trị của đạo Hồi tại Lebanon. Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah ngày 28-12 cho biết ông đã yêu cầu các chiến binh của mình đề phòng khả năng Israel tấn công Lebanon sau khi tập kích Dải Gaza.
Ông Nasrallah nhận định cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza là bản sao các cuộc tấn công Lebanon trong cuộc chiến 34 ngày với Hezbollah tại miền Nam Lebanon năm 2006. Theo ông, Israel hoặc đang thực hiện các biện pháp đề phòng hoặc đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trả đũa sau khi đã không thể loại bỏ Hezbollah trong cuộc chiến năm 2006.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Kouchner trong chuyến thăm Israel tuần trước cũng đã khẳng định rằng chắc chắn sẽ phải đối thoại với Hamas cho dù chưa phải vào thời điểm này, bởi Hamas - một phần của vấn đề ở Palestine - lại là một phần của giải pháp ở Lebanon”.
Chiến dịch của Israel ở Gaza có thể còn tiếp tục như những lời đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Israel E. Barak. Nhưng rõ ràng, lịch sử xung đột Trung Đông đã cho thấy những hành động ăn miếng trả miếng chưa bao giờ là giải pháp hữu hiệu, nếu không muốn nói, đó chỉ biểu hiện của thất bại.
Hạnh Chi (tổng hợp)