Cả tuần nay, dư luận nổi sóng về vụ UBND quận Thanh Xuân, TP Hà Nội “mặc đồng phục” cho tuyến đường Lê Trọng Tấn với nhiều ý kiến đa chiều, có khen, có chê; khen thì khen hết mình, còn chê thì đôi khi cũng là… khen cái đã để toát ra hàm ý “khen cho nó chết” vốn là đặc trưng của người Hà thành khi chứng kiến khối diễu hành của các tòa nhà mặc sắc phục hai màu đỏ - xanh. Và âu đó cũng là điều dễ hiểu trong xu hướng cởi mở thời hội nhập, đòi hỏi chính quyền phải tỉnh táo, cân nhắc kỹ càng từng khía cạnh ở thời điểm đưa ra quyết định có tính “áp đặt” với người dân và doanh nghiệp.
Khoan phân định đúng, sai về mặt tuân thủ nhãn mác, logo theo quy định của luật pháp, quyết định trên cho thấy giải bài toán chỉnh trang đô thị là không hề dễ dàng. Đáp án cho vấn đề tất nhiên ở đâu đó giữa lằn ranh chung và riêng, giữa thiểu số và đa số, giữa tôi và chúng ta…, nghĩa là phải hài hòa được các mối quan hệ lợi ích chồng chéo. Cũng phải hiểu góc nhìn duy lý của cơ quan quản lý đô thị khi muốn có một tuyến đường kiểu mẫu, không có cảnh lộn xộn, hỗn loạn về màu sắc, về kích cỡ, về vị trí các biển hiệu và nhất là sự tái lập “mỹ quan đô thị” này lại “cho không, biếu không”, không tiền từ ngân sách, không tiền từ túi của người dân cũng như của các doanh nghiệp có trụ sở đặt trên tuyến đường.
Nhưng thói đời là thường cái gì không mất tiền sẽ… mất rất nhiều tiền về sau để “chỉnh trang” lại. Và cái gì cũng có cái giá phải trả mà trong trường hợp này, theo như phe duy mỹ - cái giá là quá đắt có thể làm triệt tiêu những giá trị thẩm mỹ chung, triệt tiêu sức sáng tạo nghệ thuật, kể cả triệt tiêu luôn… các ngành đào tạo nghệ thuật từ kiến trúc đến mỹ thuật công nghiệp. Chưa nói tới những dzích dzắc đằng sau sự “bao cấp” khó tin của sắc màu đỏ - xanh dưới danh nghĩa “xã hội hóa”, việc làm này một lần nữa cho thấy tư duy “đồng phục” vẫn là tư duy chủ đạo của một phần không nhỏ những người có trọng trách chèo lái con thuyền văn hóa chở nặng bản sắc dân tộc trên đường ra biển hội nhập đầy trắc trở.
Và không thiếu những dẫn chứng trong cuộc sống từ chuyện lớn đến chuyện bé khiến người đời phải dụi mắt không tin đó là sự thật. Mới nhất có thể kể đến vụ giống nhau đến kỳ lạ của hai bức ảnh đoạt giải vàng tại những cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế, gây nhiều tranh cãi trong giới cầm máy. Cụ thể tác phẩm “Buổi sáng mùa đông” của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa vừa có giải vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tố là “đạo” lại tác phẩm “Vó đánh cá” của nhà nhiếp ảnh Lý Hoàng Long trước đó từng đoạt huy chương vàng tại cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International ở Tây Ban Nha vào năm 2014. Và nhìn tổng thể, đúng là chúng giống nhau như hai anh em sinh đôi cả về ý tưởng, bố cục, ánh sáng, góc máy, tuy nhiên giống thì có giống, giống về hình hài song… cá tính, tức là cái hồn bên trong lại mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ sau khi người ta biết các tác phẩm cùng được chụp tại hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, cùng được sáng tác cùng thời điểm bởi đi chụp cùng nhau vừa vui lại vừa đỡ chi phí ăn ở, chi phí thuê mẫu…
Chỉ có nghệ thuật là chết trong lối mòn tư duy “đồng phục” tồn tại dai dẳng nhiều năm trong nền nhiếp ảnh Việt Nam. Trước đó, vào năm 2013 cũng xảy ra vụ tranh chấp hy hữu về bản quyền giữa người chọn góc chụp, khẩu độ chụp và người bấm máy giúp tại một lễ hội khất thực ở miền Trung khiến ban tổ chức phải thu hồi lại huy chương vàng đã trao. Điều đáng nói là chỉ khi có “thành tích” thì mới có tranh chấp, mới có “dư luận” âm ỉ, mới bộc lộ rõ sự “đồng phục” trong sáng tạo, mới thấy cái từa tựa, giông giống, nhang nhác ở các tác phẩm đỉnh cao của chúng ta.
Và không chỉ có nhiếp ảnh, chuyện này còn xảy ra như cơm bữa ở các lĩnh vực nghệ thuật khác - tuy khó nhận ra hơn là qua ảnh - như trong văn chương và đặc biệt trong giới cầm cọ. Gần đây có nhà sưu tập trả giá khá cao cho một họa sĩ tay ngang vốn xuất thân từ chốn văn vẻ, thơ phú với lý do đơn giản tác phẩm của ông có cái “e” riêng, nhìn là biết ngay không lẫn với các họa sĩ “đám đông” khác. Và cũng vì lý do “nhái”, bắt chước quá nhiều, đến nay tranh Phái lâm vào tình cảnh có bán cũng ở dạng… hàng mỹ nghệ, dạng tranh Bờ Hồ không thể phân biệt giả, thật. Và thực tế cho thấy chỉ có original - tức tác phẩm nguyên bản, không sao chép, không bắt chước ý tưởng mới thật sự có giá trị trường tồn.
Nhìn rộng ra, thật đáng buồn khi thấy dấu ấn tư duy “đồng phục” còn hằn rõ cả trong lĩnh vực tưởng chừng là “tháp ngà” không vương vấn bụi trần như lĩnh vực đào tạo tiến sĩ. Khổ lắm nhưng cũng phải nói chúng ta quá dễ dãi trong việc cấp phát bằng tiến sĩ giống như cấp phát quân phục, đồng phục cho đẹp đội hình không tính đến hiệu quả tác chiến thực tế. Nhưng đó là câu chuyện còn dài nữa… chỉ muốn nhấn mạnh đất nước muốn trỗi dậy phải cần có dấu ấn riêng, phải có phong cách, cá tính sáng tạo khác biệt. Và phải thoát tư duy “đồng phục” vẫn hiện hữu đâu đây…
BÍCH AN