Tự hào với những ký ức về “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa“

“Giải phóng – tờ báo trên tuyến lửa” là câu chuyện về một tờ báo có tuổi đời vỏn vẹn hơn một thập niên nhưng đã trở thành một dấu son đáng nhớ trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam. Một tờ báo ra đời trong lửa đạn, từ đó lãnh sứ mệnh cao cả cho ngày thống nhất non sông, một biểu tượng tin yêu và tự hào của những người làm báo Việt Nam...
Sáng 18-12, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TPHCM, Thư viện Tổng hợp TPHCM, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Đại Đoàn kết tổ chức trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất tháng 10-2020. 

Đây là phim tư liệu đầu tiên về Báo Giải phóng được thực hiện, là kết quả của sự gặp gỡ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam và những nhà báo, nhà làm phim với tâm huyết và trách nhiệm đối với lịch sử đất nước, dân tộc, trong đó có lịch sử báo chí Việt Nam. “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa” đã kể với công chúng hôm nay câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình hơn 40 năm qua. Rất nhiều tư liệu, sự kiện được công bố lần đầu, những mốc son lịch sử ra đời của tờ Giải phóng và hoạt động của tờ báo trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng miền Nam và cả nước đã được tái hiện đầy xúc động và tự hào.

Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Không ai, không điều gì bị quên lãng, bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc. Phim trước hết nhằm phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất”.
Tự hào với những ký ức về “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa“ ảnh 1 Các phóng viên, biên tập viên kỳ cựu của tờ Giải Phóng. Ảnh: QUANG PHÚC
Các nhân chứng là những lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của tờ Giải Phóng đã tái hiện nhiều ký ức của người làm báo năm xưa. Có lúc họ phải di chuyển giữa 2 bờ của sự sống và cái chết để có thể tận mắt chứng kiến và viết. Từng con chữ thấm máu âm thầm góp một phần không nhỏ vào chuyển biến của tình thế Cách mạng miền Nam, vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
12 năm làm báo kháng chiến, Báo Giải phóng đã tập hợp một đội ngũ nhà báo của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm những biên tập viên, phóng viên, công nhân xếp chữ, công nhân máy in... Tổng Biên tập đầu tiên là nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), các tổng biên tập tiếp theo là nhà báo Thép Mới và nhà báo Nguyễn Văn Khuynh. Những năm tháng ấy, cùng hoạt động sôi nổi trong các chiến dịch, các phóng viên báo đã không ngại gian khổ, hy sinh, đã ghi nhận được nhiều tin, bài, hình ảnh, sự kiện lịch sử quan trọng. Bằng ý chí và tình cảm cách mạng, bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu, họ đã làm nên bức chân dung oanh liệt, tự hào của một tờ báo chiến trường.

Nhà báo Kim Toàn năm nay hơn 80 tuổi, nguyên phóng viên Báo Giải phóng, nguyên Tổng biên tập Báo Hải Phòng, xúc động kể những câu chuyện thú vị về những năm tháng tác nghiệp dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù; về câu chuyện nhận giấy báo tử, được lập mộ và rồi ông vẫn trở về và tiếp tục theo đuổi công việc làm báo nhiều năm về sau. Ngoài ra, sự hiện diện và những câu chuyện của các nhà báo lão thành Nguyễn Hồ, Phương Hà từng công tác tại Báo Giải phóng đã giúp người xem hiểu rõ hơn về những năm tháng công tác và những bài báo của các ông luôn hướng tới hòa bình và những giá trị cuộc sống cao đẹp.

Tự hào với những ký ức về “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa“ ảnh 2 Các cựu phóng viên của tờ Giải Phóng tham quan gian trưng bày tư liệu, hiện vật về tờ báo trên tuyến lửa. Ảnh: QUANG PHÚC
Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Bảo tàng đã sưu tầm được 500 số báo xuất bản từ năm 1969 đến tháng 1-1977 cùng một số tài liệu, hiện vật. Năm 2015, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận được một số tờ báo Giải phóng bản gốc, tất cả đều đã ố màu vì thời gian, được gói ghém, cất giữ cẩn thận bởi các nhà báo Đinh Phong, Trần Thanh Phương… cùng một số hiện vật, tư liệu của các nhà báo khác trong chiến tranh đã từng công tác tại Báo Giải phóng. Những hiện vật quý giá này sẽ trở thành những tư liệu hữu ích cho các thế hệ làm báo sau này.

Tin cùng chuyên mục