Vừa qua, Báo SGGP đã có bài viết về “Liên kết xuất bản - In lậu… hợp pháp” phản ánh tình trạng nhiều nhà xuất bản (NXB) hiện nay không có năng lực hoạt động, chỉ dựa vào việc bán giấy phép xuất bản để tồn tại. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản (CXB), để làm rõ thêm về thực trạng này.
* Phóng viên: Thời gian qua, nhiều NXB đã liên tục vi phạm các quy định trong Luật Xuất bản, CXB đã có những động thái nào nhằm chấn chỉnh, xử lý tình trạng này?
* Ông CHU VĂN HÒA: Đối với đơn vị để xảy ra sai phạm, CXB đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý khác nhau, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm như: Yêu cầu NXB có văn bản giải trình về quá trình xuất bản; tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật các cá nhân, tổ chức có liên quan; chuyển thanh tra xử phạt vi phạm; tạm dừng (có thời hạn) việc xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản đối với các đề tài dễ xảy ra sai phạm.
Ví dụ như sau khi có hiện tượng nhiều bộ truyện tranh bị báo chí và dư luận phản ánh, gây ảnh hưởng không tốt đối với người đọc, CXB đã tạm dừng (có thời hạn) việc xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản của các NXB đối với các đề tài truyện tranh dịch của nước ngoài, đồng thời yêu cầu các công ty phát hành sách trong cả nước không bán những tên sách bị đình chỉ phát hành. Gần đây nhất, CXB đã chuyển Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử phạt vi phạm hành chính đối với NXB Lao Động vì vi phạm Luật Xuất bản với cuốn sách “50 tuần lễ đầu tiên lãnh đạo văn phòng”.
* Đâu là nguyên nhân chính của tình trạng lộn xộn trong cấp phép xuất bản thời gian qua, thưa ông?
* Có thể nói, các khó khăn, vướng mắc hiện nay có thể chia làm hai nguyên nhân chính là chủ quan và khách quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan có khá nhiều như năng lực, trình độ quản lý của nhiều NXB còn hạn chế, không nhanh nhạy trong khâu tổ chức, khai thác bản thảo, tìm kiếm tác quyền, không được cơ quan chủ quản hỗ trợ cấp vốn, trụ sở và các điều kiện cần thiết khác để hoạt động… từ đó dẫn đến phó mặc, buông lỏng cho đối tác liên kết thao túng.
* Thưa ông, theo Luật Xuất bản, để thành lập NXB cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu trong đó có yêu cầu về đội ngũ biên tập viên, trụ sở, vốn hoạt động… Tại sao lại có tình trạng nhiều NXB “tay không ra trận” để đến nỗi phải lệ thuộc vào đối tác liên kết như thế?
* Hiện nay, cả nước có 64 NXB, so với các nước trong khu vực và thế giới, với số dân gần 90 triệu người thì số lượng này là không nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc một số NXB chưa nhận được cơ chế hỗ trợ của cơ quan chủ quản theo như quy định. Một phần do nhiều cơ quan chủ quản chưa có sự đầu tư đúng mức cho hoạt động xuất bản, phần khác do vướng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (đối với các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp) hoặc các cơ quan chủ quản NXB là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nếu cấp vốn cho nhà xuất bản thì sẽ trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ vì vốn cấp không phải là vốn do nhà nước sở hữu 100%.
* Trong trường hợp luật vướng luật như vậy, cục dự kiến sẽ giải quyết ra sao?
* Giải quyết tận gốc rễ dĩ nhiên là phải sửa luật, dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi lần này đã bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và định lượng các yếu tố liên quan đến quá trình thành lập NXB cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể như: điều kiện để thành lập NXB; trình tự, thủ tục thành lập; trách nhiệm của cơ quan chủ quản; tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo; trách nhiệm của biên tập viên; số lượng biên tập viên… .
TƯỜNG VY (thực hiện)