Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

* Công ty tôi ký hợp đồng với một công ty kinh doanh về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ở TPHCM để vận chuyển lô hàng trang trí nội thất bằng gỗ từ cảng TPHCM đi Singapore. Chúng tôi cũng đã thống nhất sử dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh nội dung của hợp đồng này. Tuy nhiên, công ty vận chuyển đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc bảo quản hàng hóa, làm một số lô hàng của chúng tôi bị hư hỏng. Xin hỏi, trách nhiệm bồi thường của công ty vận chuyển này theo quy định của pháp luật Việt Nam như thế nào? (bạn đọc email: tranvanquang…@gmail.com)

* Do trong thư bạn không nêu rõ cụ thể trường hợp của bạn như thế nào, nên tôi trả lời như sau:

Điều 79 Bộ luật Hàng hải Việt Nam có quy định về giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển. Theo đó, trong trường hợp chủng loại, giá trị của hàng hóa không được người gửi hàng, người giao hàng khai báo trước khi bốc hàng hoặc không được ghi rõ trong vận đơn, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác thì người vận chuyển chỉ có nghĩa vụ bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá hoặc tổn thất khác liên quan đến hàng hoá trong giới hạn tối đa tương đương với 666,67 đơn vị tính toán cho mỗi kiện hoặc cho mỗi đơn vị hàng hóa hoặc 2 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam trọng lượng cả bì của số hàng hóa bị mất mát, hư hỏng tùy theo giá trị hàng hóa. Đơn vị tính toán quy định trong bộ luật này là đơn vị tiền tệ do Quỹ Tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là quyền rút vốn đặc biệt. Tiền bồi thường được chuyển đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường.

Trong trường hợp container hoặc công cụ tương tự được dùng để đóng hàng hóa thì mỗi kiện hoặc đơn vị hàng hóa đã ghi trong chứng từ vận chuyển, đã đóng vào công cụ được coi là một kiện hoặc một đơn vị hàng hóa. Trường hợp chứng từ vận chuyển không ghi rõ số kiện hoặc đơn vị hàng hóa thì container hoặc công cụ đó chỉ được xem là một kiện hoặc một đơn vị hàng hóa.

Trong trường hợp chủng loại và giá trị hàng hóa được người giao hàng khai báo trước khi bốc hàng và được người vận chuyển chấp nhận, ghi vào chứng từ vận chuyển thì người vận chuyển chịu trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa trên cơ sở giá trị đó theo nguyên tắc sau đây:

a) Đối với hàng hóa bị mất mát thì bồi thường bằng giá trị đã khai báo;

b) Đối với hàng hóa bị hư hỏng thì bồi thường bằng mức chênh lệch giữa giá trị khai báo và giá trị còn lại của hàng hóa.

Giá trị còn lại của hàng hóa được xác định trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm và địa điểm dỡ hàng hoặc lẽ ra phải dỡ hàng; nếu không xác định được thì căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm và địa điểm bốc hàng cộng thêm chi phí vận chuyển đến cảng trả hàng.

Tuy nhiên, luật còn quy định thêm các trường hợp người vận chuyển bị mất quyền giới hạn trách nhiệm theo những quy định trên (Điều 80). Theo đó, người vận chuyển mất quyền giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển nếu người khiếu nại chứng minh được mất mát, hư hỏng hàng hóa là hậu quả do người vận chuyển đã có hành vi cố ý gây mất mát, hư hỏng, chậm trả hàng hoặc cẩu thả và biết rằng việc mất mát, hư hỏng hoặc chậm trả hàng đó có thể xảy ra. Bên cạnh đó, người làm công, đại lý của người vận chuyển thực hiện với chủ định gây ra mất mát, hư hỏng hàng hóa, chậm trả hàng hoặc cẩu thả và biết rằng việc mất mát, hư hỏng hoặc chậm trả hàng đó có thể xảy ra cũng không được giới hạn trách nhiệm.

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 - 0903.975323.

TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG - Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật

Tin cùng chuyên mục