Tư vấn

Hỏi: Tôi năm nay 42 tuổi, đi khám tại bệnh viện cho kết quả bị nhiễm Helicobacter pylori kèm theo dòng chữ “vi trùng làm ung thư bao tử” (dạ dày). Vậy nghĩa là tôi có bị ung thư dạ dày không? (Thanh Hà, quận 8, TPHCM)

Trả lời: Trong khám chữa bệnh hàng ngày, chúng tôi cũng gặp khá nhiều bệnh nhân hoang mang, lo lắng khi biết mình hoặc người thân bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori). Bệnh nhân hoang mang vì nghe những tin đồn, vì không được bác sĩ giải thích, vì một số phòng xét nghiệm ghi bên cạnh kết quả xét nghiệm H.pylori dương tính dòng chữ “vi trùng làm ung thư bao tử” (dạ dày). Nhiễm H.pylori có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng và đó có thể là một trong các nguyên nhân gây ung thư dạ dày, tuy không phải là tất cả. Điều này còn tùy thuộc vào các loại gen của vi khuẩn H.pylori và nhiều yếu tố khác như môi trường, di truyền. Vì vậy, việc kết luận vội vàng cứ nhiễm  H.pylori tất sẽ bị ung thư dạ dày là thiếu cơ sở khoa học và không xác đáng… Việc lây nhiễm H.pylori có thể qua nhiều đường, trong đó có đường ăn uống. Để phòng ngừa cần ăn chín, uống sạch…

PGS Trần Thiện Trung, Đại học Y Dược TPHCM

Hỏi: Con tôi mới 1 tháng tuổi nhưng do sữa mẹ ít nên cháu bú không đủ no. Thỉnh thoảng bé khóc như đang đói. Mọi người nói có thể cho trẻ ăn dặm sớm nếu sữa mẹ không đủ và giúp trẻ sớm cứng cáp. Liệu cho ăn dặm sớm như vậy có sao không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Phương Đông, quận 5, TPHCM)

Trả lời: Cho cháu ăn dặm như vậy là quá sớm so với độ tuổi của bé, nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ gặp những bất lợi trong phát triển về sau của trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cho trẻ bú hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu. Song trong thực tế vẫn còn một số bà mẹ chưa cho con ăn bổ sung khi mới được 2-3 tháng tuổi. Họ cho rằng cho ăn bột sớm bé sẽ cứng cáp hơn. Quan điểm này không có cơ sở khoa học. Thức ăn bổ sung thường là tinh bột và các thứ khác. Để tiêu hóa tinh bột phải có men amylasa. Men này có rất ít ở tuyến nước bọt và tuyến tụy của trẻ 3 tháng tuổi, hoạt tính lại rất yếu, chỉ bằng 10% so với người lớn. Việc cho trẻ ăn bột sớm sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe của trẻ trong hiện tại và cả tương lai. Cụ thể là trẻ ăn dặm sớm ít bú mẹ hơn, bà mẹ sẽ tạo được ít sữa hơn.  Một số nghiên cứu còn cho thấy, thức ăn bổ sung như bột ngũ cốc, rau, quả... có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt trong sữa mẹ. Hậu quả là trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt. Những trẻ được ăn dặm sớm cũng có nhiều nguy cơ dị ứng thức ăn. Một nghiên cứu được tiến hành với nhóm trẻ từ lúc mới sinh đến 3 tuổi cho thấy, ở những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau đó ăn bổ sung hợp lý, tỷ lệ bị eczema rất thấp so với nhóm được nuôi bằng sữa bò và ăn bổ sung quá sớm.

BS Đinh Thạc, BV Nhi đồng 1 TPHCM

Tin cùng chuyên mục