Có một kỷ niệm mà ông nhớ mãi, đó là lần thi đấu tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, khi vừa chuẩn bị thượng đài, bất giác ông nghe tiếng gọi thật lớn: “Hoài Tâm!” từ phía khán đài danh dự. Quay mặt nhìn lên, thì ra là nhạc sĩ Trần Hoàn cũng có mặt theo dõi đêm đấu này. Nhạc sĩ hỏi to: “Cậu tập đấm bốc từ khi nào thế?”.
Những ai yêu thích môn “đấm bốc”, có dịp theo dõi những giải đấu quyền Anh đều biết tay đấm Phùng Gia Thành (ảnh) nổi tiếng đất Bắc một thời xuất sắc thế nào trong vai trò trọng tài điều hành giải. Dù đã bước sang tuổi 70, nhưng phong thái của “bố Thành” (tên thân mật mà các trọng tài dành để gọi ông) vẫn như thời trai trẻ của mình, cái thời mà ông từng đỗ bằng HLV – Trọng tài IOC loại giỏi (bằng quốc tế đầu tiên của ngành TDTT Việt Nam năm 1990). Luôn chu đáo trong mọi công việc và sắp xếp một cách rất khoa học, có thể nói, toàn bộ việc bố trí tốt nhất cho các trọng tài chuẩn bị lên làm nhiệm vụ giám định đều có bàn tay của ông.
Những ai đã từng nghe giọng ca trầm ấm của ca sĩ Hoài Tâm (nghệ danh của ông) khi thể hiện các bài hát của nước Nga hay khả năng nhập vai trong các vở kịch nói (ông từng là chủ nhiệm CLB đạo diễn sân khấu Hải Phòng) rồi sau đó lập tức thay áo quần bóng bẩy đến nhà thi đấu để đeo vào cặp găng đấm bốc thượng đài, thậm chí có lúc vẫn chưa kịp rửa phấn son hóa trang trên mặt mới thấu hiểu nỗi đam mê võ thuật của ông.
Một dịp chuyện trò cùng ông ở một quán cà phê cóc gần ga Hà Nội sau khi kết thúc giải vô địch quốc gia 2008, ông kể lại một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là lần thi đấu tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, khi vừa chuẩn bị thượng đài, bất giác ông nghe tiếng gọi thật lớn: “Hoài Tâm” từ phía trên khán đài danh dự. Quay mặt nhìn lên, thì ra là nhạc sĩ Trần Hoàn cũng có mặt theo dõi đêm đấu này. Nhạc sĩ Trần Hoàn hỏi to: “Cậu tập đấm bốc từ khi nào thế?”. Thì ra, nhạc sĩ Trần Hoàn chỉ biết ông với vai trò là một nghệ sĩ trên sân khấu chứ không thể tượng tượng nổi đó cũng là tay đấm Phùng Gia Thành tiếng tăm lẫy lừng.
Quyền Anh và sân khấu là hai niềm đam mê ảnh hưởng lớn cuộc sống của cựu võ sĩ đất Cảng Phùng Gia Thành. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, bao chuyển biến của đất nước, nghiệp võ thuật đã theo ông đến tận ngày hôm nay, đó là lý do vì sao ông lại không bao giờ từ bỏ bất kỳ giải đấu nào của quyền Anh khi mà sức khỏe của ông vẫn còn cho phép. Chưa hết, với quãng thời gian làm ca sĩ với nghệ danh Hoài Tâm, ông đã đúc kết khá nhiều kinh nghiệm thanh nhạc cũng như lĩnh vực ký xướng âm để truyền dạy cho các học trò của mình cũng như tham gia giảng dạy tại Đoàn kịch nói Hải Phòng (nơi mà ông là Chủ nhiệm) và thi thoảng xuất thần trong các vở kịch.
“Gia đình nghệ thuật và võ thuật” của ông (vợ là NSƯT Ngọc Hiếu, giảng viên Trường Sân khấu Kịch nói TƯ; con trai Phùng Bảo Anh, cựu vô địch Đông Dương và con gái Phùng Lệ Thu, diễn viên đoàn kịch Hải Phòng, từng giành HCV sân khấu chuyên nghiệp 2004) vẫn thường tâm niệm và làm việc hết mình vì một điều rằng: “Người nghệ sĩ và con nhà võ như kiếp tằm nhả tơ, muốn mang đến cho đời những bông hoa tươi đẹp!”.
Năm ngoái, tại Asian Indoor Games 3, tôi gặp lại ông ở Bắc Ninh, vẫn khỏe mạnh và hoạt bát như ngày nào. Cuối tháng 3-2011 vừa qua, tôi cũng như HLV, VĐV quyền Anh cả nước bàng hoàng khi hay tin ông đã ra đi vĩnh viễn. Bài viết này thay một nén hương tưởng nhớ đến ông – một tay đấm cự phách đất Bắc, một nghệ sĩ tài hoa, dành trọn một kiếp người cống hiến cho thể thao và nghệ thuật. “Con tằm” mãi yên nghỉ nơi suối vàng, nhưng người đời sẽ mãi luôn nhớ về ông!
Hồng Long