Những ngày này, nội dung đàm đạo rôm rả nhất của giới doanh nhân bên chén trà đầu xuân là… TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) vừa được ký kết ngày 4-2 vừa qua. Bỏ qua những lo toan, bỏ qua những kỳ vọng và khuyến cáo, TPP đang thổi một làn gió mới vào mùa xuân năm nay, thậm chí có ý kiến còn ví von: TPP là cơ hội để cá chép Việt Nam hóa… rồng!
Thời khắc này chợt làm người ta liên tưởng đến câu chuyện Việt Nam gia nhập WTO vào mùa xuân 2007, câu chuyện bên bàn trà ngày tết năm đó là rất nhiều kỳ vọng, rất nhiều niềm tin về một tương lai tốt đẹp, về một Việt Nam hùng mạnh sau cột mốc WTO. Hành trình 10 năm 2006 - 2015 đã chứng minh cho niềm tin ấy. Số liệu từ các bộ, ngành cho thấy, sau 9 năm gia nhập WTO, GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, gấp 2 lần năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2005. GDP bình quân đầu người Việt Nam từ dưới 1.000 USD năm 2007 đã đạt 2.228 USD năm 2015. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sau cột mốc WTO tăng qua từng năm, ước tính năm 2015, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng hơn 4 lần so với năm 2005. Nền kinh tế Việt Nam đã bước một bước rất dài trong tăng trưởng. Đời sống người dân được nâng cao hơn, bộ mặt các đô thị thay đổi từng ngày.
Từ WTO đến TPP, sau 10 năm, Tết Bính Thân 2016 sẽ tiếp tục đánh dấu một cột mốc tăng tốc mới của đất nước chúng ta. Chỉ khác là sân chơi mới “to và sâu rộng” hơn, phức tạp hơn; khởi đầu từ sự kiện Việt Nam gia nhập cộng đồng Asean, tiếp nối là hàng loạt các hiệp định thương mại đa và song phương được thực thi. Chúng ta đã và đang chuẩn bị tập dượt cho TPP bắt đầu từ những “bài tập” hội nhập mới này. Dù vậy, ngay từ đầu năm, nhiều tín hiệu đã cho thấy Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt trong năm 2016. Dấu ấn TPP đang đưa Việt Nam lọt vào bình chọn tốp điểm đến đầu tư của năm 2016, theo đánh giá của giới đầu tư thế giới. Điều này đã giải thích vì sao ngay trong tháng đầu năm 2016, thu hút vốn FDI đã đạt 1,334 tỷ USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2015. Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã tăng mức đầu tư vào Việt Nam lên 700 triệu USD. Tập đoàn Aeon (Nhật) đã rót 500 triệu USD vào Việt Nam chỉ trong vài năm. Sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam hơn 14 tỷ USD, và cùng với sự gia tăng quy mô đầu tư của Samsung, lần đầu tiên, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 30 tỷ USD điện thoại và linh kiện trong năm 2015; đây cũng là ngành hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm qua.
Với dấu ấn TPP và hàng loạt các cải cách về thể chế tài chính, đầu tư vừa ban hành đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới tiếp tục xếp Việt Nam vào tốp các nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt trong năm 2016. Hai tổ chức Ngân hàng Standard Chartered và ANZ đều dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,9% trong năm 2016 nhờ thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục khả quan. Với dự báo ấy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á chỉ sau Ấn Độ. Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam, ông Nirukt Sapru, cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin Việt Nam là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và là một trong số vài nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa”.
Cộng đồng tài chính thế giới đã dành cho Việt Nam những dự báo rất lạc quan trong năm 2016. Những dự báo này đang thổi thêm niềm tin và kỳ vọng vào một hành trình 10 năm sắp tới. Nỗ lực hết mình để khai thác cơ hội TPP, chúng ta tin tưởng nền kinh tế đất nước sẽ tiếp tục tăng trưởng, Việt Nam sẽ giàu lên, mạnh hơn trong thập kỷ tới.
Song Đăng