Với tư cách là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, một trong những cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng nhiều đồ án xây dựng ở TPHCM, ông Hoàng Minh Trí khẳng định, tuân thủ nghiêm cốt nền xây dựng: không ngập, không “nhà hầm” khi phân tích về một trong những nguyên nhân gây ngập và xuất hiện tình trạng “nhà hầm” tại TPHCM trong thời gian qua. Tại sao? PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Hoàng Minh Trí xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, ông có quá đề cao cốt xây dựng khi đưa ra nhận định nêu trên?
* Ông HOÀNG MINH TRÍ: Cốt xây dựng được quy định tại mục b, điều 2, phần 8 trong Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025. Theo quy định này, TPHCM được chia thành 3 khu vực, tùy theo địa hình, sẽ có 3 mức cốt xây dựng khác nhau. Khu nội thành hiện hữu gồm 13 quận cũ sẽ có cao độ xây dựng khống chế > hoặc = 2,00m; khu nội thành phát triển gồm 6 quận mới có cao độ xây dựng khống chế từ 2 - 2,5m và lớn hơn; các huyện ngoại thành cao độ xây dựng khống chế > hoặc = 2m. (Xem chi tiết ở box).
Dù có 3 mức nhưng cơ bản, cốt xây dựng ở TPHCM đều trên 2m so với mực nước biển. Trong khi đó, đỉnh triều cao nhất trong thời gian qua mới tới mức 1,7m. Quy hoạch về cốt xây dựng nêu trên đã được xác lập ngay trong đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1993 và sau đó liên tục được khẳng định lại trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM được phê duyệt trong các năm 1998, 2010. Nếu nhà ở, đường giao thông và nhiều công trình kiến trúc khác tuân thủ nghiêm cốt xây dựng từ hơn 20 năm trước thì tình trạng ngập ở TPHCM đâu có nặng nề như hiện nay và hiện tượng nhà thấp hơn đường (nhà hầm) cũng sẽ được hạn chế đến mức tối đa. Tôi nói hạn chế vì sẽ có những công trình nhà ở được xây dựng trước năm 1993 - trước khi có các quy định về cốt nền. Cũng phải nói thêm, quy định cốt xây dựng như thế nào cho từng khu vực cũng đã được tính toán kỹ trên cơ sở “tạo mái dốc” đưa nước từ khu vực cao xuống khu vực thấp và ra sông, kênh rạch. Tuân thủ nghiêm các nguyên tắc này, cũng sẽ hạn chế được tình trạng triều cường dâng cao, tràn ngược lại vào nội đô, gây ngập.
“Nhà hầm” xuất hiện khi cốt nền xây dựng không được tuân thủ nghiêm. Ảnh: PHẠM CAO MINH
* Theo ông, vì sao cốt nền xây dựng được quy định rõ như vậy nhưng đã không được tôn trọng?
* Để có câu trả lời chính xác nhất, các sở ngành, địa phương nên rà soát lại toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng cũng như cấp phép xây dựng… Tôi cho rằng, đã có một số bất cập trong xây dựng. Ví dụ như trong nhiều công trình duy tu, sửa chữa đường, thay vì phải nạo lớp mặt đường cũ đã hư hỏng bỏ đi rồi sau đó mới thay bằng lớp mặt đường mới, một số đơn vị thi công đã để nguyên lớp mặt đường cũ và trải lớp mặt đường mới phủ lên trên. Cách làm này đã làm cho mặt đường dần dần cao hơn so với nền nhà dân xung quanh. Hay như việc đầu tư xây dựng đường mới cũng có bất cập.
Hiện nay, đường lớn, xuyên quận, huyện do thành phố quản lý và đầu tư, đường trong nội bộ địa phương do quận, huyện quản lý, các hẻm thì giao về cho phường. Sự cắt khúc như vậy đã làm cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng đường không được thống nhất. Về nguyên tắc, khi thiết kế xây dựng đường mới, tư vấn thiết kế phải dẫn mốc xây đường từ cốt xây dựng chuẩn… Thế nhưng, nếu tư vấn dẫn không đúng, cán bộ quận, huyện có đủ trình độ để thẩm tra điều này? Rồi việc cấp phép xây dựng cho nhà dân, ai kiểm soát việc xây dựng có căn cứ vào cốt nền xây dựng? Không phải ngẫu nhiên TPHCM đã xúc tiến nghiên cứu và đề xuất Trung ương cho thành lập chính quyền đô thị nhằm thống nhất công tác quản lý đầu tư xây dựng xuyên suốt ở thành phố để khắc phục các bất cập nêu trên.
* Trong thời gian trước mắt, khi mà mô hình chính quyền đô thị còn đang được nghiên cứu, đề xuất, theo ông TPHCM có thể làm gì để thống nhất việc quản lý đầu tư xây dựng và tuân thủ nghiêm các quy định về cốt nền xây dựng?
* Các sở ngành và các quận, huyện phải “gác cửa” chặt chẽ việc tuân thủ cốt nền xây dựng khi triển khai đầu tư xây dựng các công trình mới cũng như khi tiến hành sửa chữa, duy tu các công trình cũ. Nếu phát hiện không tuân thủ nghiêm cốt xây dựng, phải truy ra người có trách nhiệm để xử lý thỏa đáng. Hiện nay, căn cứ vào các quy định về cốt xây dựng trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, các đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000, các quận, huyện đều đã “dẫn” cốt xây dựng cụ thể cho từng quận, huyện. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc quản lý và kiểm tra việc chấp hành nghiêm quy định về cốt xây dựng trong đầu tư xây dựng.
* Cảm ơn ông.
|
NGUYỄN KHOA