Khai mạc Tuần lễ văn hóa – thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội

Tưng bừng đêm lễ hội văn hóa dân gian

Tưng bừng đêm lễ hội văn hóa dân gian
Tưng bừng đêm lễ hội văn hóa dân gian ảnh 1

Một tiết mục trong đêm lễ hội.

Tối qua, 2-10, tại Quảng trường tượng đài Vua Lý Thái Tổ, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình lễ hội văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội. Đây là hoạt động mở đầu cho tuần văn hóa – thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tham gia lễ hội văn hóa dân gian Thăng Long – Hà Nội có 750 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên do NSƯT Trần Mạnh Cường, NSND Ứng Duy Thịnh dàn dựng kịch bản và NSND Phạm Thị Thành làm tổng đạo diễn. Mở đầu là màn “Trống hội Thăng Long” tưng bừng của 160 diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và Trường CĐ Múa Việt Nam.

Tiếp đó, là các màn “Múa 12 con giáp” tượng trưng cho vòng quay thời gian; “Múa rồng” với khí thế rồng thiêng bay lượn vươn cao; “Lân mẫu xuất Lân nhi” diễn tả cảm xúc cao cả tình mẫu tử của con người thể hiện sức sống mãnh liện, sự sinh sôi, phát triển; “Múa cờ” rực rỡ trong các lễ hội dân gian khắp mọi vùng miền đất nước. Kết thúc đêm lễ hội văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội là màn bắn pháo bông rực rỡ sắc màu.

L.Q.TR.
 

Còn đó Hà Nội xưa trầm mặc, tao nhã

Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 51 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954) và kỷ niệm 995 năm Thăng Long–Hà Nội đã bắt đầu với chuỗi hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật diễn ra tại các nhà hát, sân khấu ngoài trời, công viên, vườn hoa… Trong số đó, triển lãm “Không gian văn hóa gia đình truyền thống” khai mạc sáng 2-10 tại Nhà triển lãm Tràng Tiền như một điểm nhấn về truyền thống của Hà Nội xưa...

Nhà triển lãm Tràng Tiền sáng 2-10 đông đặc người tìm đến với không gian văn hóa gia đình truyền thống. Tên gọi của triển lãm đã đưa người xem về với Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Bước vào nhà triển lãm, hình ảnh phố phường xưa hiện ra rõ nét, chân thực. Nếp nhà và cảnh sinh hoạt của các gia đình thi thư Hà Nội rất điển hình. Phòng ngủ được trang trí giản dị với cây đèn đọc sách cũ kỹ bên chiếc giường gỗ lim; trên tường treo tấm ảnh đen trắng, hình các thành viên gia đình mặc trang phục thời đầu thế kỷ 20. Một chiếc tủ ba buồng để quần áo, một bàn nhỏ trang điểm, một chiếc kệ để dăm ba đồ trang trí mỹ nghệ bằng đồng, bạc, gỗ… Phòng khách, phòng bếp và sân sau đều thể hiện nếp sống thanh nhã, trật tự, ngăn nắp và sạch sẽ ở chốn phố phường chật hẹp đông người.

Nếp sinh hoạt văn hóa của người Kẻ chợ thể hiện qua phong cách ứng xử văn minh, lịch thiệp và hào hoa phong nhã. Trong thư phòng của cụ Đồ, nam thanh nữ tú mặc trang phục áo the khăn xếp, cùng các vị khách tham quan hôm nay thong thả, chờ để xin cụ Đồ vài ba chữ làm trọng trong tâm.

Một nét văn hóa khác của Hà Nội xưa là nghe hát ca trù. Trên sập gụ kê ngay ngắn giữa phòng ngoài, đào hát e ấp sau vạt áo the màu mận, hát những câu thơ của người xưa bằng âm vực khỏe khoắn, ấm áp gợi lên bức tranh sinh động của Hà Nội đầu thế kỷ 20. Tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu gõ nhịp thưởng phách… càng làm rộn lòng khách tham quan.

Triển lãm còn giới thiệu nhiều cổ vật gốm, sứ, đồng, bạc của nhiều thế kỷ trước. Và còn hoành phi câu đối, bàn thờ gia tiên, đồ cúng hàng mã, đồ chơi thủ công… và nhiều bức ảnh của Hà Nội 100 năm trước đến giữa thế kỷ 20. Tất cả in dấu một Hà Nội phong sương hàng chục thế kỷ qua các hiện vật. Với không gian văn hóa này, không chỉ người Hà Nội mà nhân dân cả nước đều thêm quý trọng nền văn hiến ngàn năm của dân tộc ta.

Thăm triển lãm, ông Đặng Huy Quảng, người dân của đất Sơn Tây xúc động: “Triển lãm cho tôi thấy được rõ hơn công ơn của ông cha ta và giúp các thế hệ sau hiểu rõ hơn giá trị văn hóa truyền thống. Cần tuyên truyền sâu rộng và vận động sinh viên, học sinh xem những cuộc triển lãm như thế này”. Ông Phan Văn Hùng (Ban Quản lý di tích Nghệ An) bày tỏ: “Tuy còn một số điều chưa hợp lý trong cách trưng bày song đây là một triển lãm rất ý nghĩa. Mong sao Hà Nội có nhiều đợt trưng bày với nội dung khác nhau về Thăng Long-Hà Nội”.

THỦY VÂN

Tin cùng chuyên mục