Tưng bừng lễ hội tịch điền

Ngày 16-2 (tức mùng 7 Tết), hàng ngàn người dân đã cùng tham gia lễ Tịch Điền (cày ruộng), lễ hội xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, được tổ chức tại Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự.

(SGGP).- Ngày 16-2 (tức mùng 7 Tết), hàng ngàn người dân đã cùng tham gia lễ Tịch Điền (cày ruộng), lễ hội xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, được tổ chức tại Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự.

Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn là lễ hội truyền thống đã được UBND tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức quy mô lớn trong nhiều năm gần đây. Theo nhiều tài liệu lịch sử còn lưu lại, mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm lễ Tịch Điền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp nước ta. Kể từ đó, lễ hội Tịch Điền trở thành một mỹ tục được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, lễ hội Tịch Điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc. Vài năm trở lại đây, tỉnh Hà Nam đã phục dựng thành công, tái hiện lại truyền thống “Dĩ nông vi bản” để khuyến khích nông nghiệp, tổ chức các nghi thức trang trọng của Lễ hội với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Sau lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu hành lễ, lễ hội Tịch Điền được cử hành trang trọng theo trình tự với các màn múa rồng, đọc văn trình, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội và lễ dâng hương thành kính. Tiếp đó, một cụ ông cao niên của xã Đọi Sơn khoác áo long bào, đeo mặt nạ, khoan thai đi những đường cày đầu tiên trong tiếng hò reo cổ vũ của người dân.

Việc tổ chức Lễ hội Tịch Điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc, khơi dậy và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc cho các thế hệ con cháu; nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, từ vị vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình.

Cùng ngày, tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ đã chính thức khai mạc. Theo tục lệ, ngày lễ chính Đền Mẫu Âu Cơ là ngày tiên giáng mùng 7 tháng Giêng. Từ sáng 16-2, đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng (Hùng Trấn Quý Minh) về đền thờ Mẫu Âu Cơ giữa dòng người với rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng.

Sáng mùng 7 Tết (tức 16-2), hàng ngàn du khách đã tham dự lễ hội cầu Bông tại làng rau truyền thống Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam). Với diện tích sản xuất 18ha, năng suất cả năm đạt 300 tạ/ha, tổng sản lượng 540 tấn, trị giá 9,2 tỷ đồng, làng rau chuyên canh Trà Quế cũng đã có thị trường rộng lớn tại TPHCM và các siêu thị tại TP Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam... Đặc biệt, đã có gần 12.700 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và làm nông dân trong năm 2012, doanh thu bán vé tham quan đạt 220 triệu đồng.

Ngày 16-2 tại làng Tượng Sơn, xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã khai diễn Lễ hội cướp cù truyền thống, thu hút hàng ngàn người dân địa phương trong xã và các xã lân cận tụ hội về.

Lễ hội cướp cù này nổi tiếng khắp vùng phía Bắc sông Gianh, có truyền thống hơn 600 năm, nên có thơ dân gian rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù”. Hội cù diễn ra trên sân cát có chiều dài 80m, rộng 50m. Sân chia đôi cho hai đội, mỗi đội 20 người trai lực điền khỏe mạnh, cuối mỗi phía sân trồng cây tre cao, trên mỗi cây tre còn mấy cành lá buộc vải điều hoặc lá cờ nhằm làm rõ mục tiêu ném cù, cù thường được làm bằng quả bưởi, phía trên hai cây nêu còn làm lỗ rọ bằng tre, to gấp đôi trái cù, nếu đội nào ném cù lọt vào sẽ ghi điểm. Trưởng làng tổ chức lễ cù bằng cách cúng thần linh với gà và xôi bằng đại cỗ, tiểu cỗ. Tiếp đó vị trọng tài cầm quả cù bước ra giữa sân, phát lệnh lung cù. Hai đội xếp hai hàng đối mặt nhau, sau khi lung cù là lao vào cướp cù. Hàng ngàn người xem hô hào cùng tiếng chiêng trống rộn ràng.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục