Tuổi cao gương sáng

TPHCM hiện có gần nửa triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), trong đó có gần 400.000 người là hội viên Hội Người cao tuổi đang sinh hoạt tại 322 chi hội người cao tuổi cấp cơ sở. Trên thực tế, những người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển nền kinh tế, xã hội của TP…
Tuổi cao gương sáng

TPHCM hiện có gần nửa triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), trong đó có gần 400.000 người là hội viên Hội Người cao tuổi đang sinh hoạt tại 322 chi hội người cao tuổi cấp cơ sở. Trên thực tế, những người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển nền kinh tế, xã hội của TP…

        Gừng càng già càng cay...

Ông Trần Văn Đông, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng không lúc nào thấy ông ngơi tay, lúc thì chăm sóc vườn tược, lúc tham gia công tác từ thiện, lúc cùng bà con tham gia bảo vệ trật tự trị an khu phố. Ông bộc bạch: “Tuy tuổi cao nhưng tôi không thể ngồi yên, càng lao động tôi càng thấy khỏe ra. Gia đình tôi có ít đất ở tỉnh Bình Phước để trồng tiêu, điều, cà phê… tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động. Sau khi thu hoạch, tôi dùng tiền lãi đóng góp các phong trào ở địa phương và giúp vốn cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nhanh chóng thoát nghèo…”.

Tại TPHCM, trường hợp người cao tuổi làm kinh tế giỏi như ông Trần Văn Đông không phải là hiếm. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có gần 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh với tổng số vốn gần 2.600 tỷ đồng do người cao tuổi làm chủ, góp phần giải quyết việc làm cho gần 35.000 lao động, giúp gần 4.600 hộ vượt nghèo.

Người cao tuổi quận Tân Bình tuần tra canh gác bảo vệ trật tự khu phố.

Người cao tuổi quận Tân Bình tuần tra canh gác bảo vệ trật tự khu phố.

Không chỉ tham gia công tác xóa nghèo, người cao tuổi còn đóng vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học. người cao tuổi đã phối hợp với Hội Khuyến học xây dựng gia đình hiếu học và vận động được trên 3,4 tỷ đồng để tặng gần 6.300 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Ngoài ra còn vận động các nhà hảo tâm, cơ sở tôn giáo tặng dụng cụ học tập, khen thưởng các cháu học giỏi và giúp đỡ những thầy cô có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để yên tâm công tác. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Hội người cao tuổi ở các khu phố, tổ dân phố đã tích cực tham gia, kết quả có 315.257 hộ người cao tuổi đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”.

Trong quá trình phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, người cao tuổi TP luôn gương mẫu đi đầu, tại phường 15 quận Tân Bình có ông Bành Văn Xám tự nguyện hiến 900m² đất và ông Lê Văn Hòa hiến 400m² đất để mở đường cho dân đi mà không đòi bồi thường. Tại quận Bình Tân, Hội người cao tuổi đã vận động nhân dân đóng góp gần 600 triệu đồng để nâng cấp các con hẻm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hội người cao tuổi huyện Nhà Bè có 85 hộ hiến 4.000m² đất trị giá 13 tỷ đồng để mở rộng các con hẻm. Gần đây, Hội người cao tuổi các quận, huyện còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc” hàng trăm triệu đồng.

        Tuổi cao, trí càng cao

Một trong gần 600 gương điển hình tỏa sáng từ phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại quận Tân Bình, ai cũng trầm trồ thán phục ông Trần Việt Ngữ, gần 70 tuổi, Bí thư chi bộ 1A, phường 4, quận Tân Bình. Ông luôn là chỗ dựa của người dân và là “khắc tinh” của tội phạm, ông đã dành dụm lương hưu đóng góp gần 90 triệu đồng cho Quỹ người cao tuổi, Quỹ Khuyến học và vận động các đảng viên trong chi bộ và hội viên Hội Việt kiều Campuchia yêu nước đóng góp hơn 310 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương và cầu giao thông nông thôn cho người nghèo.

Ông Châu Minh Tỷ, Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi TPHCM cho biết: “TPHCM có gần 155.00 người cao tuổi tham gia học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gần 40.000 người cao tuổi tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, hòa giải… kết quả 214.000 người cao tuổi đạt danh hiệu “Tuổi cao gương sáng”, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo…”.

 
 

Nhằm chăm lo tốt đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người cao tuổi, TPHCM đã trích ngân sách để mừng thọ gần 44.000 người cao tuổi, trong đó mừng thọ người cao tuổi” tròn 100 tuổi là 1.750.000 đồng/cụ; tròn 90 tuổi 1.000.000 đồng/cụ; các độ tuổi còn lại: 500.000 đồng/người.Trong chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi 24 quận, huyện đã khám mắt cho hơn 37.000 người cao tuổi, trong đó có 6.217 người được chữa mắt miễn phí. Hội người cao tuổi các cấp còn vận động 32 tỷ đồng để chăm sóc hơn 302.000 lượt người cao tuổi, trong đó có hơn 5.000 người cao tuổi nghèo. Hội người cao tuổi TP đã trích kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo để xóa nhà tạm bợ cho 209 người cao tuổi và chống dột 372 căn nhà cho người cao tuổi. Toàn TP hiện có trên 2.555 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, TDTT… thu hút gần 70.000 người cao tuổi đến rèn luyện sức khỏe để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

 
 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục